Nghiên cứu đóng góp của Tiền Giang với nghệ thuật cải lương là cần thiết

       Kỷ niệm 95 năm nghệ thuật sân khấu cải lương ra đời, tỉnh ta tổ chức nhiều hoạt động để tôn vinh một kịch chủng được khán giả cả nước yêu thích, trong đó có việc tổ chức Tọa đàm khoa học “Tiền Giang  – cái nôi nghệ thuật sân khấu cải lương”, diễn ra ngày 18-1. Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu Đề dẫn của ông Trần Thế Ngọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.

Trong lịch sử phát triển của văn hóa nông nghiệp Việt Nam, mà đỉnh cao là văn hóa Văn Lang – Âu Lạc, mở đầu là công cuộc chống Bắc thuộc, tiếp đến là nền văn hóa Đại Việt với những cuộc kháng chiến và kiến quốc để tạo dựng một giang sơn gấm vóc như ngày nay.

Tiến trình lịch sử ấy đã sinh ra một nền nghệ thuật dân tộc độc đáo, nổi bật là nghệ thuật sân khấu với những loại hình đặc sắc như: rối, chèo, tuồng, cải lương. Trong đó, cải lương có tuổi đời trẻ nhất, là sản phẩm văn hóa của người Việt trong quá trình khai phá vùng châu thổ sông Cửu Long và nhanh chóng lan tỏa cả nước. Cho thấy nghệ thuật sân khấu cải lương đã tích hợp được một số yếu tố văn hóa phù hợp với tính cách của nhiều vùng để có sức lan xa.

Rạp hát Huỳnh Kỳ xây dựng năm 1928 của ông Lê Công Phước (Bạch Công Tử) đổi thành  rạp Viễn Trường năm 1963, rạp Mỹ Tho năm 1980, hiện nay là siêu thị sách, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 3, TP. Mỹ Tho. (Ảnh tư liệu do Nguyễn Mạnh Thắng cung cấp)
Rạp hát Huỳnh Kỳ xây dựng năm 1928 của ông Lê Công Phước (Bạch Công Tử) đổi thành rạp Viễn Trường năm 1963, rạp Mỹ Tho năm 1980, hiện nay là siêu thị sách, đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 3, TP. Mỹ Tho. (Ảnh tư liệu do Nguyễn Mạnh Thắng cung cấp)

Sân khấu cải lương – một kịch chủng mới của dân tộc, một hiện tượng văn hóa đặc biệt của dân tộc, trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả. Tuy nhiên, đối với Tiền Giang, nơi ra đời rạp cải lương đầu tiên ở nước ta, với vở cải lương đầu tiên được công diễn trên sân khấu cải lương đúng nghĩa, nơi ra đời đĩa hát cải lương đầu tiên, nơi đóng góp nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nơi sinh ra và là cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương, thì một thế kỷ qua, chưa có công trình nào đề cập đến sự đóng góp đó đối với nghệ thuật sân khấu cải lương của dân tộc ta.

Vì thế, nghiên cứu về sự đóng góp của Tiền Giang đối với nghệ thuật sân khấu cải lương là một việc làm cần thiết. Bởi lẽ, rạp cải lương đầu tiên của nước ta xuất hiện tại TP.  Mỹ Tho từ năm 1918, đến nay đã 95 năm. Chỉ còn vài năm nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm ngày ra đời sân khấu cải lương Việt Nam.

Cuộc tọa đàm mang tính chất của một hội thảo khoa học, nhằm góp phần làm sáng tỏ những đóng góp của Tiền Giang vào sự hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương suốt 95 năm qua, khẳng định sự ra đời của nghệ thuật sân khấu cải lương và là cái nôi của nghệ thuật sân khấu này.

Những ngày qua, những người hoạt động văn hóa – văn nghệ ở Nam bộ vui mừng đón nhận thông tin: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Sự kiện quan trọng này gợi ý cho chúng ta tìm về quá khứ, khi các “nhạc sư” đầy tâm huyết truyền dạy những ngón nghề về nhạc lễ, rồi sau đó là nhạc tài tử cho lớp trẻ ở Mỹ Tho thời bấy giờ, trong đó nổi lên tên tuổi: Phan Hiển Đạo, Tôn Thọ Tường, Trần Quang Thọ, Trần Quang Diệm, Trần Văn Chiều (Bảy Triều) là ông cố, ông nội và cha của Giáo sư Trần Văn Khê; Nguyễn Tống Triều (Tư Triều), cùng nhiều nhạc sĩ, ca sĩ khác tạo ra một loại nhạc mới là nhạc tài tử, phát triển loại nhạc này để hình thành đờn ca tài tử có ca ra bộ – tiền thân của nghệ thuật sân khấu cải lương.

Giữa thế kỷ XIX, Phan Hiển Đạo và Tôn Thọ Tường từng học ở Huế, với niềm say mê âm nhạc đã học hỏi nhạc lễ đất kinh kỳ về truyền dạy cho người yêu âm nhạc ở Vĩnh Kim, sau đó ông Trần Quang Thọ (ông cố của Giáo sư Trần Văn Khê), một nghệ nhân nổi tiếng trong Ban nhạc cung đình Huế, rời kinh thành Huế vào Nam và sinh sống ở Vĩnh Kim, ông truyền dạy nhạc lễ cho người trong vùng.

Những nhạc sư ở Vĩnh Kim tạo những yếu tố đầu tiên trong buổi đầu của nhạc tài tử. Chỉ riêng điều này thì Tiền Giang cũng trở thành nơi khởi đầu của dòng nhạc tài tử. Cho dù sau đó, đặc biệt là từ khi có phong trào Cần Vương (năm 1885), một số nhạc quan của triều đình Huế vào Nam truyền dạy và tìm cách cải biên để có những bài bản riêng phù hợp với tình cảm và tính cách của người Nam bộ.

Năm 1906, Ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều được chọn trình diễn tại hội chợ thuộc địa-Marseille (Pháp), tại đây lần đầu họ được diễn trên sân khấu. Lúc bấy giờ, ông Châu Văn Tú (Thầy Năm Tú) mời Ban nhạc này trình diễn tại rạp chiếu bóng của mình.

Cô Ba Đắc diễn xuất độc đáo bài ca có đối thoại giữa 3 nhân vật: Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt Nga(1). Diễn xuất bài ca có đối thoại của cô Ba Đắc là sự kiện mở đầu cho lối ca có ra bộ (tức ca có điệu bộ), một yếu tố quan trọng, chuyển từ ca kiểu “độc thoại” tới ca kiểu “đối thoại” để ca ra bộ ra đời(2). Như thế, Mỹ Tho – nơi có những nhạc sư từ giữa thế kỷ XIX, có Ban nhạc tài tử Nguyễn Tống Triều nổi tiếng Nam bộ, là nơi tạo những yếu tố manh nha để ra đời nhạc tài tử, cũng là nơi tạo những yếu tố ban đầu để ra đời lối ca có ra bộ.

Một vấn đề mà cuộc tọa đàm được chúng ta quan tâm, đó là sự ra đời của nghệ thuật sân khấu cải lương, cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương.

Năm 1917, ông André Thận ở Sa Đéc lập gánh hát xiếc, có ít màn ca ra bộ. Sau đó ông quyết định dẹp gánh xiếc để lập gánh hát, mời ông Trương Duy Toản về soạn tuồng, nhưng chưa phải là cải lương. Trong lúc này, Thầy Năm Tú nhờ có tiềm lực về kinh tế, lập gánh hát để cạnh tranh với gánh Thầy Thận thì đúng lúc gánh Thầy Thận tan rã, đào kép của gánh này về gánh Thầy Năm Tú.

Có lực lượng diễn viên hùng hậu, Thầy Năm Tú phá bỏ rạp chiếu bóng để xây dựng một rạp hát theo phong cách mới, kiểu nhà hát Opera của Pháp. Về quy mô chỉ thua nhà hát Tây ở Sài Gòn. Thầy Năm Tú rước ông Trương Duy Toản và một số bạn bè viết cho gánh hát các vở tuồng: Kim Vân Kiều, Trưng Nữ Vương, Tái sanh duyên, Hạnh nguyên cống Hồ…

Ngày 15-3-1918, Thầy Năm Tú cho khai trương rạp hát của mình, với bảng hiệu của gánh hát là: “GÁNH HÁT THẦY NĂM TÚ – MỸ THO”. Đêm 15-3-1918, vở cải lương “Kim Vân Kiều” được công diễn. Lần đầu tiên ở nước ta, một rạp cải lương hiện đại được sử dụng và vở cải lương đầu tiên được công diễn. Mỹ Tho trở thành nơi ra đời và là cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương.

Thầy Năm Tú tiếp tục đầu tư để cho ra đời đĩa cải lương của gánh hát mình: “Dĩa hát Thầy Năm Tú”. Đĩa hát bán tới đâu, danh tiếng Thầy Năm Tú lan tới đó. Từ Mỹ Tho, lan khắp Nam bộ, tới miền Trung, ra Hà Nội, sau đó nhiều gánh hát ở Nam bộ hoạt động tại Hà Nội được công chúng đón nhận nhiệt thành.

Tiền Giang có làng Vĩnh Kim nổi tiếng cả nước có nhiều nhạc sư, có gánh hát “Đồng Nữ Ban” dùng sân khấu cải lương để khơi dậy tinh thần yêu nước của đồng bào ta từ năm 1927. Tiền Giang không chỉ có rạp cải lương đầu tiên của nước ta, mà còn là nơi ra đời nhiều gánh hát, nơi sản sinh nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng cả nước.

Có thể kể đến: Ban nhạc tài tử Nguyễn Tống Triều, gánh Bầu Chiến – Gò Công, gánh hát Thầy Năm Tú, gánh Nam Đồng Ban, gánh Tái Đồng Ban, gánh Huỳnh Kỳ, gánh Đồng Nữ Ban, gánh Phước Cương, gánh Tiếng Chung, gánh Phi Phụng, gánh Phụng Hảo, gánh Đại Phước Cương, đoàn cải lương Thanh Vân, đoàn cải lương Tiền Giang I, đoàn cải lương Tiền Giang II, đoàn cải lương Sông Tiền và hiện nay có Bộ phận Cải lương của đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Tiền Giang.

Có thể kể đến các nghệ sĩ: Phan Hiển Đạo, Nguyễn Tri Khương, Trần Quang Diệm, Trần Ngọc Diện, Nguyễn Tống Triều, Trần Văn Chiều, Châu Văn Tú, Năm Phỉ, Phùng Há, Năm Châu, Trần Hữu Trang, Trần Văn Khê, Hoàng Tuyển, Bảy Nam, Kim Cương, Trần Ngọc Giàu, Dương Ngọc Thạch, Minh Phụng, Thanh Hùng, Ngọc Hoa, Hoa Hạ, Văn Giỏi, Thanh Nhanh…

Biết bao thế hệ nghệ sĩ cải lương quê Tiền Giang không chỉ đóng góp to lớn cho nghệ thuật sân khấu cải lương mà còn làm rạng danh cho quê hương Tiền Giang – cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam. Người Tiền Giang tự hào về quê hương mình – nơi sân khấu cải lương ra đời, nơi có nhiều nghệ sĩ tài danh được công chúng của nhiều thời ngưỡng mộ.

Cuộc tọa đàm hôm nay, Tỉnh ủy – Ủy ban nhân dân tỉnh tin tưởng rằng, bằng sự nghiên cứu công phu của các học giả, các nghệ sĩ, cuộc tọa đàm sẽ có những phát hiện mới, làm sáng tỏ vấn đề cốt lõi, chủ yếu về cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương, về đóng góp của Tiền Giang với nghệ thuật sân khấu cải lương và những vấn đề quan trọng khác.

Thay mặt Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi xin chân thành cảm ơn sự có mặt của các nhà khoa học, các nghệ sĩ, quý đại biểu và xin tuyên bố khai mạc Tọa đàm khoa học “Tiền Giang với nghệ thuật sân khấu cải lương”.

* Đầu đề do BBT Báo Ấp Bắc đặt.

(1) Theo Vương Hồng Sển trong “Hồi ký 50 năm mê hát” thì: “Trước năm 1915, chưa có tỉnh nào dám đưa đờn ca lên diễn trên sân khấu công khai. Tỉnh khởi đầu việc này có lẽ là tỉnh Mỹ Tho”.

(2) Trong tập khảo cứu có tên “Nghệ thuật sân khấu Việt Nam” của Trần Văn Khải, có đoạn: “Trong thời kỳ ấy, Mỹ Tho là đầu mối xe lửa đi Sài Gòn. Các du khách ở miền Tây Nam Phần như Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá… muốn đi Sài Gòn phải ghé trạm Mỹ Tho nghỉ một đêm rồi sáng đáp xe lửa.

Trong số du khách có ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long là người hâm mộ cầm ca. Khi ghé Mỹ Tho, ông nghe cô Ba Đắc ca bài Tứ Đại với một giọng gần như đối đáp, nhưng cô không ra bộ. Sau về nhà ông nảy ra ý kiến cho người ca đứng trên ván có ra bộ. Điệu ca ra bộ phát sinh từ đó, lối năm 1915 – 1916. Qua năm 1917, ông André Thận ở Sa Đéc lập gánh hát xiệc (tức xiếc), có thêm ít màn ca ra bộ”.

Nguồn Ấp Bắc