Nghiên cứu mới của Việt Nam lên tạp chí hàng đầu thế giới
Nguồn: nejm.org |
Kết quả nghiên cứu có tiêu đề: “IVF Transfer of Fresh or Frozen Embryos in Women without Polycystic Ovaries” (tạm dịch: Thụ tinh trong ống nghiệm bằng việc chuyển phôi tươi hoặc đông lạnh ở phụ nữ không có buồng trứng đa nang”) được đăng toàn bộ trên Tạp chí NEJM ngày 11/1/2018.
Tác giả của nghiên cứu gồm: TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan (Bộ môn Phụ sản, Trường ĐH Y Dược TPHCM), Ths. Đặng Quang Vinh (BV Mỹ Đức), Ths Hồ Mạnh Tường (BV Mỹ Đức), Ths Huỳnh Gia Bảo (BV Mỹ Đức), BS Hà Tấn Đức (BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ), Phạm Dương Toàn (BV Mỹ Đức), Ths Nguyễn Khánh Linh (BV Mỹ Đức), GS. Robert Norman (ĐH Adelaide, Australia), GS. Ben Mol, ĐH Adelaide, Australia).
Theo nghiên cứu trước đây với những phụ nữ đang thụ tinh trong ống nghiệm (TTON), việc chuyển phôi đông lạnh cho thấy tỷ lệ thụ thai và sinh thành công cao hơn so với chuyển phôi tươi ở những người vô sinh do buồng trứng đa nang. Liệu việc chuyển phôi đông lạnh có mang lại kết quả tương tự ở những phụ nữ vô sinh không do buồng trứng đa nang hay không? Nhóm nghiên cứu Việt Nam đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.
Nhóm bác sĩ đã nghiên cứu ngẫu nhiên 782 phụ nữ vô sinh (không do buồng trứng đa nang) đang TTON. Kết quả cho thấy, việc chuyển phôi đông lạnh mang lại kết quả thành công tương đương như chuyển phôi tươi khi TTON. Đây là nghiên cứu ấn tượng vì có thể góp phần làm thay đổi phác đồ chuyển phôi trong TTON trên thế giới hiện nay.
Nói rõ hơn về việc này, TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan, Bộ môn Phụ sản (Trường ĐH Y Dược TPHCM) cho biết hiện nay trên thế giới có 2 phương án chuyển phôi TTON. Đó là chuyển phôi tươi vào tử cung hoặc đông lạnh phôi trước, sau đó mới chuyển phôi sau rã đông vào tử cung. Số phôi còn dư sẽ được đông lạnh và để dành chuyển phôi các lần sau, tạo thêm cơ hội cho người hiếm muộn.
Vài năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy trong các trường hợp, sau kích thích buồng trứng, nội tiết tăng cao hơn bình thường nhiều lần, do nhiều nang noãn phát triển, dẫn đến nội mạc tử cung phát triển mạnh, nhưng không tốt cho phôi làm tổ. Một số trung tâm có xu hướng chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ, không chuyển phôi tươi, mà đợi đến các tháng sau, khi nội tiết giảm xuống bình thường, để chuyển phôi với hy vọng cải thiện kết quả. Tuy nhiên, việc đông lạnh phôi toàn bộ lại làm tăng chi phí và trì hoãn cơ hội có thai của người hiếm muộn.
Theo TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, phát hiện quan trọng nhất từ nghiên cứu này là việc đông lạnh phôi để thực hiện TTON không gây ảnh hưởng đến cơ hội thực hiện ước mơ của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Sau chu kỳ chuyển phôi tươi đầu tiên, bệnh nhân có thể đông lạnh tất cả phôi còn lại và thực hiện chuyển phôi sau đó một cách an toàn, hiệu quả. Do đó, chúng ta không cần chuyển quá nhiều phôi vào tử cung một lúc, mà có thể đông lạnh phôi và chuyển phôi làm nhiều lần, mỗi lần 1 – 2 phôi. Như vậy, người hiếm muộn vẫn gia tăng cơ hội có thai mà nguy cơ đa thai được giảm tối đa.
Như vậy, việc quyết định cách chuyển phôi, phôi tươi hay đông lạnh, có thể linh động cho từng trường hợp để cho khả năng có thai cao nhất và tỷ lệ biến chứng thấp nhất. Bác sĩ và cả bệnh nhân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn và phù hợp hơn.
BS. Hồ Mạnh Tường (BV Mỹ Đức), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết dự án này được thực hiện trong 4 năm, trong đó gần 2 năm là thời gian thu thập số liệu; 11 tháng phân tích số liệu, viết bài và 10 tháng từ lúc gửi bài cho đến khi được đăng trên NEJM (gồm các công đoạn: biên tập, sửa chữa, trả lời phản biện với tạp chí…).
Tất cả từ ngữ chuyên ngành được NEJM biên tập lại để người trong ngành y nhưng không phải chuyên ngành phụ sản và người ngoài ngành có thể hiểu được.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.