Ngoại hạng Anh dậy sóng chuyện giảm lương
Cuộc họp khẩn giữa Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA), HLV và đội trưởng 20 đội bóng Ngoại hạng Anh xoay quanh chuyện cắt giảm lương đã kết thúc không như mong đợi của nhiều người
Người ta nói nhiều đến khả năng các CLB Ngoại hạng Anh có nguy cơ tổn thất đến 1,137 tỉ bảng vì cuộc khủng hoảng liên quan đến dịch Covid-19. Khả năng mùa giải 2019-2020 không thể kết thúc trọn vẹn được nhắc đến với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông, tại mọi phiên họp về giải đấu này trong vòng một tháng qua, nhấn mạnh việc phải hoàn trả đến 762 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình…
Ngay cả chính quyền Anh cũng bị tác động đáng kể khi Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đăng đàn chỉ trích các cầu thủ giàu có đang đứng ngoài thời cuộc, không biết chia sẻ với cộng đồng, chính là những khán giả đã và đang bỏ tiền “nuôi” bóng đá nhiều năm qua. Chính trị gia David Lammy của Đảng Lao động ủng hộ ý tưởng này khi quy kết “sẽ là tội ác nếu các cầu thủ không chịu giảm lương để chính phủ phải dùng tiền thuế trợ cấp cho những nhân viên của chính các đội bóng”.
Theo truyền thông Anh, các danh thủ De Bruyne (Man City), Troy Deeney (Watford), Mark Noble (West Ham) đều đồng ý giảm lương 30% nhưng vấn đề là giảm như thế nào.
Hai đội bóng thành Manchester có lập trường riêng trong việc cắt giảm lươngẢnh: Reuters
Bóng đá dường như là môn thể thao duy nhất mà vấn đề lương cầu thủ luôn được nhắc đến nhiều nhất. Nói đến các cầu thủ, đặc biệt cầu thủ thi đấu tại Giải Ngoại hạng Anh, người ta luôn nhắc kèm cụm từ “triệu phú” hoặc dùng mức thu nhập hàng trăm ngàn bảng/tuần để “định vị” cầu thủ đó trên thị trường.
Cầu thủ nhận mức lương cao là do thị trường quyết định. Nhắc họ giàu mà quên đi đóng góp của họ cho nền kinh tế quốc gia sở tại bằng các khoản thuế là không công bằng. Hầu hết cầu thủ ở Anh được trả lương thông qua hệ thống PAYE, đã khấu trừ 45% thuế cộng với chi phí bảo hiểm, đồng nghĩa gần một nửa số tiền họ kiếm được đều trở ngược vào kho bạc quốc gia. Trung bình mỗi cầu thủ chơi bóng ở Premier League được trả khoảng 3 triệu bảng/năm và 1,4 triệu bảng tiền thuế được dùng để chi trả cho các ngành y tế, cảnh sát, dịch vụ công cộng.
Giả sử đồng ý cắt giảm 30% tiền lương, cầu thủ chỉ còn 1,15 triệu bảng, sau khi phải nộp thuế 945.000 bảng. Trong trường hợp này, tiền thuế thất thu tính cho khoảng 500 cầu thủ lên đến hơn 227 triệu bảng. Khoản lương bị cắt giảm đó lại không hỗ trợ trực tiếp đến cộng đồng như cách nghĩ của Bộ trưởng Matt Hancock mà quay trở lại hầu bao của các ông chủ CLB.
Trong khi đó, cách các cầu thủ Man United trích 30% tiền lương để hỗ trợ trực tiếp cho ngành y tế TP Manchester đáng được nhân rộng, vì nó hiệu quả hơn, trực tiếp hỗ trợ cộng đồng, chứ không quay trở lại hầu bao của các ông chủ.
Giá trị các CLB ở Anh tăng vọt trong 10 năm qua và chủ sở hữu ngày càng giàu hơn. Tuy vậy, việc Tottenham kêu gọi chính phủ trả 80% tiền lương cho 550 nhân viên CLB hoặc Liverpool đạt doanh thu đến 533 triệu bảng mùa trước nhưng cũng nhấp nhổm làm theo cách của Tottenham chính là điều khiến giới cầu thủ phẫn nộ.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.