Ngoài khơi “chi chít” bão gió, Nam bộ mưa dông lốc

Trên biển Đông và khu vực Thái Bình Dương lại đang hình thành 4 vùng thời tiết rất nguy hiểm, ngay sau khi bão số 3 vừa đổ bộ vào Bắc bộ, làm 19 người chết và mất tích.

Ngoài khơi “chi chít” bão gió, Nam bộ mưa dông lốc

Cập nhật từ văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đến 17 giờ chiều 5-8, đã có tới 19 người chết và mất tích do bão số 3 và mưa lũ sau khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; trong đó tang thương nhất là Thanh Hóa.

Cụ thể: đã xác định có 8 người chết: Thanh Hóa 5 người (Mường Lát: 1 người, Quan Sơn: 4 người); Bắc Cạn 1 người; Điện Biên 1 người; Lào Cai 1 người.

11 người còn đang mất tích: tại Thanh Hóa 10 người (huyện Quan Sơn: 10 người) và Điện Biên: 1 người

Ngoài khơi “chi chít” bão gió, Nam bộ mưa dông lốc ảnh 1
Mưa lũ kinh hoàng tại tỉnh Thanh Hóa do hoàn lưu bão số 3. Ảnh: baothanhhoa
Trong khi đó, trên biển Đông lại vừa hình thành một hình thái thời tiết xấu. Chiều nay 5-8, Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia đã cảnh báo về hình thái này.

Cụ thể, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 17-20 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp có tọa độ khoảng 177-18 độ vĩ Bắc và 116,5-117,5 độ kinh Đông đang hoạt động ở khu vực Bắc biển Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này ít di chuyển. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp phân tích trên, kết hợp với gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh, nên trong đêm nay và ngày mai (6-8), trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ngoài khơi “chi chít” bão gió, Nam bộ mưa dông lốc ảnh 2
Bản đồ vệ tinh chiều 5-8 do Trung tâm Dự báo khí tượng  thủy văn quốc gia cung cấp cho thấy thời tiết trên biển Đông rất xấu, kích hoạt gió mùa Tây Nam 

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.

Ở bên ngoài Thái Bình Dương, đang đồng thời tồn tại 2 cơn bão và 1 vùng áp thấp nhiệt đới vừa mới manh nha hình thành. Trong đó, cơn bão Francisco đang đổ bộ vào Nhật Bản. Còn cơn siêu bão được đặt theo tên Việt Nam là Lekima đang hướng thẳng về phía đảo Đài Loan – Trung Quốc.

Ngoài khơi “chi chít” bão gió, Nam bộ mưa dông lốc ảnh 3
Chi chít các cơn bão đang hoạt động ở Thái Bình Dương. Hình ảnh theo Cơ quan Dự báo khí tượng Nhật Bản

Theo dự báo, cơn bão khủng Lekima sẽ hút và “nuốt chửng” khối áp thấp đang hình thành ở khu vực Bắc biển Đông. Vì vậy, khối áp thấp này có thể không mạnh lên thành bão và bị bão Lekima cuốn ngược ra ngoài rồi tan biến.

Tuy nhiên, theo GS Lương Ngọc Huỳnh, một nhà phong thủy, dự báo tự do về thiên tai, thời tiết cùng nhiều chuyên gia thời tiết khác, thì các hình thái phức tạp trên biển Đông và ngoài khơi Thái Bình Dương sẽ kích hoạt trường gió mùa Tây Nam ở Nam bộ hoạt động mạnh.

Vì vậy, khi xuất hiện bão ở Thái Bình Dương và biển Đông, khu vực Nam bộ, nhất là vùng biển Tây và đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi bão và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi gió mùa Tây Nam được kích hoạt.

Do đó, ngay thời điểm này, người dân TPHCM, Lâm Đồng, ĐắK LắK, Tây Ninh, Kon Tum cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa rào nặng hạt, kèm theo gió Tây Nam khá mạnh, đề phòng có lốc và sấm chớp.

Người dân tại các tỉnh Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang cần lưu ý nước biển dâng cao, đề phòng sạt lở bờ kè, đê biển.

Nguồn SGGP