Ngoại trưởng Mỹ có chuyến thăm lịch sử đến Myanmar
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm nay sẽ gặp các lãnh đạo Myanmar nhằm thúc đẩy cải cách chính trị. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ đến Myanmar trong vòng 50 năm qua.
Ngoại trưởng Mỹ tươi cười khi tới sân bay ở Naypyidaw hôm qua. Ảnh: AFP |
Bà Clinton sẽ hội kiến Tổng thống Myanmar Thein Sein, một cựu tướng lĩnh quân đội luôn thể hiện là một người có tư tưởng cải cách kể từ khi quân đội, vốn nắm quyền ở Myanmar từ năm 1962, mở đường cho một chính quyền dân sự hồi tháng 3.
Ngoại trưởng Mỹ sau đó sẽ rời thủ đô Naypyidaw để tới thành phố Yangon, cửa ngõ lớn nhất của Myanmar để giao lưu với thế giới. Tại đây, bà sẽ gặp Aung San Suu Kyi, một biểu tượng dân chủ ở quốc gia 60 triệu dân. Bà Suu Kyi nhận được sự tôn trọng rộng rãi tại Mỹ.
Trong vòng nửa thế kỷ qua, bà Clinton là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm Myanmar, quốc gia được đánh giá là giàu trữ lượng tài nguyên có tính chiến lược và có chung biên giới với hai nước lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.
Chuyến thăm của bà Clinton diễn ra trong bối cảnh có những dấu hiệu đổi thay ở Myanmar, đất nước vốn được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội cho tới trước khi một chính quyền dân sự trên danh nghĩa được thành lập sau cuộc bầu cử năm ngoái.
Ngoại trưởng Mỹ bay từ Hàn Quốc tới thủ đô Naypyidaw hôm qua, chỉ vài giờ trước khi bà Suu Kyi xác nhận bà sẽ tham gia các cuộc bầu cử sắp tới, khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã chính thức đăng ký để trở lại là một đảng phái chính trị.
Bà Suu Kyi cho rằng chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quá trình cải cách ở Myanmar. “Tôi hy vọng chuyến thăm Myanmar của bà Clinton sẽ mở ra con đường hướng tới một mối quan hệ tốt hơn giữa hai nước”, người từng được nhận giải Nobel Hòa bình nói với các chuyên gia chính sách quốc tế tại Washington thông qua một cuộc hội thảo qua video ngày hôm qua.
Ngoại trưởng Clinton nhắc lại rằng Mỹ sẽ chưa thể ngay lập tức kết thúc các lệnh cấm vận nhằm vào Myanmar, một việc cần có được sự thông qua của Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, dù giới chức Mỹ từ chối bình luận về những gì sẽ diễn ra trong chuyến thăm của bà Clinton, Washington vẫn có trong tay những công cụ để thể hiện việc xích lại gần hơn với Myanmar.
Mỹ có thể từng bước tăng dần viện trợ phát triển cho Myanmar, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới hiện nay. Mỹ cũng có thể chỉ định một đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Myanmar. Washington chỉ giữ mức quan hệ ngoại giao rất thấp với Myanmar để phản đối việc đảng của bà Suu Kyi thắng cử năm 1990 nhưng chính quyền quân đội không thừa nhận.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.