Người dân cần làm gì để ứng phó với bão số 16 chuẩn bị đổ bộ

 (THTG) Trước thông tin về bão có thể đổ bộ vào địa bàn mình cư trú, người dân cần nhanh chóng chằng chống nhà cửa, tránh đến mức tối thiểu nhà bị sập và bị bão cuốn.

Chằng chống nhà cửa:

– Dùng giằng chống bão bằng cách lắp đè các thanh thép lên các mái tôn, các viền cạnh xà gồ, dầm của mái nhà. Các xà gồ, dầm nhà phải được cố định vào tường một cách chắc chắn.

image3

Chằng chống nhà cửa chuẩn bị ứng phó với bão. Ảnh: Việt Bình

– Dùng các bao tải chứa đất, cát xếp lên mái nhà. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nếu nhà yếu, không chắc chắn thì việc xếp các bao tải cát, đất lên quá nhiều khiến nhà có thể bị sập không phải do bão, mà do mái nhà quá nặng, cột kèo không chịu nổi.

 – Đóng chặt tất cả các cửa, các lỗ thông gió.

– Nếu cảm thấy căn nhà không thể trụ được trong gió bão, gió bão đã tràn vào nhà, lúc này nguy cơ tốc mái là rất lớn: Hãy mở cửa thông gió phía đối diện với hướng gió để gió thoát ra, giảm áp lực lên mái nhà. Tuyệt đối không mở cửa phía hướng gió bão đến.

– Để đảm bảo tính mạng trong căn nhà không mấy chắc chắn, nên trú ẩn dưới gầm bàn hay gầm giường. Bởi nếu căn nhà bị sập do bão, bạn có thể cầm cự cho đến khi có người đến cứu.

– Phòng tránh điện giật:

Kèm theo gió lớn là mưa to và rất có thể là ngập lụt, vì vậy điện giật là nguy cơ rất lớn. Để phòng tránh điện giật, cần đảm bảo các ổ điện ở trên cao, không đặt dưới mặt đất và dưới thấp có thể bị mưa ngập tới. Các thiết bị điện như bình nóng lạnh, máy giặt cần phải được nối đất. Với những thiết bị có vỏ kim loại như bình nóng lạnh, cần gắn thiết bị tự cắt điện khi bị rò. Khi nhà ngập nước, để đảm bảo an toàn, nên ngắt cầu giao điện. Khi có người bị điện giật, hãy ngắt cầu giao điện, đẩy nạn nhân khỏi vật dẫn điện bằng ghế gỗ, sào tre. Hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim, cơ miệng rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Still1225_00016

– Neo đậu tàu thuyền nơi an toàn:

Đối với tàu thuyền nhỏ tại những địa điểm có điều kiện kéo lên bờ tránh bão, tuyệt đối không neo đậu tại các bãi ngang. Đối với những địa điểm không đưa được tàu thuyền lên bờ, cần di chuyển vào sâu trong sông, rạch để tránh bão. Đối với tàu thuyền lớn, phải bổ sung 2 dây chằng buộc lái, 2 dây chằng buộc mũi và neo đậu theo hướng thẳng góc với bờ, khoảng cách từ chiếc nọ sang chiếc kia phải đủ rộng để tránh va đập nhau.

Trước khi neo đậu, cần kiểm tra và chằng buộc chắc chắn các cửa, nắp hầm hàng. Kiểm tra lại hệ thống dây neo, đảm bảo dây neo đúng kích cỡ và chiều dài theo quy định (dây neo cần có đường kính thước tối thiểu đường kính >18 mm và chiều dài không dưới 2 lần chiều dài thân tàu).

Khi neo đậu trên sông, rạch cần chú ý nơi khuất gió, quan sát hướng thả neo cho phù hợp, tốt nhất là theo hướng dọc sông, ngược chiều gió – cách bờ một khoảng > 30m.

Đối với tàu cá neo đậu trong các khu âu thuyền tránh trú bão, cần giãn khoảng cách neo đậu và thả neo dự phòng, giữ khoảng cách hợp lý giữa các tàu nhằm tránh va đập.

Tuyệt đối không neo đậu tàu theo hướng song song với bờ, vì ở tư thế này tàu thuyền rất dễ bị sóng đánh thẳng vào mạn làm lật úp. Nên thả cả neo đáy và neo bờ để giữ cho tàu, thuyền cố định ở một vị trí. Nên sử dụng lốp xe hơi cũ treo ở thành tàu và cả ở mạn và ở mũi để hạn chế sự va đập vào nhau và vào cầu tàu.

Đặc biệt trong quá trình phòng tránh bão, cần phải thường xuyên theo dõi Tin bão phát trên các phương tiện truyền thông để xác định xem nơi mình sống và làm việc có bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão trong +24h, +48h và +72h tới không.

Nếu trong +48h mà thấy bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nơi mình sinh sống thì lập tức phải có biện pháp phòng chống tích cực ngay.

Nếu ở gần biển thì cần sơ tán người già và trẻ em vào sâu trong đất liền đề phòng gió mạnh, mưa to, nước biển dâng cao. Nếu ở vùng núi có nguy có bị lũ quét và sạt lở đất thì cũng cần sơ tán ngay người già và trẻ em tới nơi an toàn.

Phúc Huy (Tổng hợp)