Người “gieo hạt” đàn tranh trên đất Pháp
Trên 40 năm dạy đàn tranh và là người sáng lập Trường Âm nhạc dân tộc Phượng Ca tại Pháp, GS – nhạc sĩ Phương Oanh đã tiếp nối con đường truyền thụ âm nhạc dân tộc Việt của GS Trần Văn Khê ở nhiều quốc gia
Tôi biết về GS – nhạc sĩ Phương Oanh trong lần bà cùng học trò từ Pháp về Việt Nam tham gia Liên hoan Nhạc hội đàn tranh do Nhạc viện TP HCM tổ chức vào năm 2013. Những gì bà đang làm cho âm nhạc dân tộc trên xứ người thực sự cuốn hút và hấp dẫn tôi nên trong chuyến đi tham dự lễ tưởng niệm GS-TS Trần Văn Khê tại Pháp lần này, tôi không thể bỏ qua dịp đến thăm GS – nhạc sĩ Phương Oanh và trường nhạc của bà.
Hành trang xa xứ là 10 cây đàn tranh
GS – nhạc sĩ Phương Oanh và nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan là 2 người bạn thân, cùng có chung niềm đam mê đàn tranh và nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc. Từ năm 1964 đến 1968, cả 2 đã từng thành lập Nhóm âm nhạc dân tộc Hoa Sim, biểu diễn âm nhạc dân tộc tại các trường đại học ở Sài Gòn. Sau đó, vì lý do sức khỏe, GS – nhạc sĩ Phương Oanh đã tách khỏi nhóm Hoa Sim và đến năm 1969 thì lập nhóm biểu diễn âm nhạc dân tộc mang tên Phượng Ca. Lý giải về tên gọi Phượng Ca, bà nói: “Dân tộc ta là con rồng cháu tiên, chim phượng là biểu trưng của bà Âu Cơ nên tôi lấy tên Phượng Ca, chuyên biểu diễn âm nhạc dân tộc trên màn ảnh đài truyền hình Sài Gòn và tại các trường đại học”.
Năm 1971, GS – nhạc sĩ Phương Oanh theo chồng sang Lào sống, sau đó định cư tại Pháp. Khi rời khỏi quê hương, bà đã xin gia đình chồng được mang theo 10 cây đàn tranh để tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề dạy đàn tranh trên xứ người. Bà kể lại lúc đó tâm trạng rất hoang mang, chẳng biết khi đặt chân đến nước Pháp, có thể sống được với nghề mà mình đam mê, gìn giữ. “May mắn là tôi đã gặp Thầy Khê. Năm 1964, thầy được Viện Quốc gia kịch nghệ Sài Gòn, nay là Nhạc viện TP HCM, mời từ Pháp về nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Lúc đó, tôi chỉ dám đứng nhìn thầy từ xa. Năm 1974, sang Pháp định cư, tôi đã tìm gặp thầy, lúc trình bày nguyện vọng được tiếp tục dạy đàn tranh, thầy đã khuyên tôi nên xem đó là nghề tay trái vì không thể sống được với nghề âm nhạc dân tộc và đừng buông bỏ niềm đam mê, cho đến khi có thể “nghệ tinh”. Rồi qua nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ kiều bào tại Pháp, hình ảnh người phụ nữ tóc ngang vai, mặc áo dài đội khăn đóng, ngồi đàn tranh cho ca sĩ Hoàng Oanh từ Mỹ sang biểu diễn đã giúp tôi nhanh chóng được nhiều phụ huynh tìm đến mời dạy đàn tranh cho con em của họ. Và thế là tôi đã mở lớp dạy đàn tranh, lấy lại tên gọi Phượng Ca mà mình đã từng lập nhóm âm nhạc dân tộc khi còn ở Sài Gòn. Tính đến nay, thương hiệu Phượng Ca đã tròn 45 năm” – nhạc sĩ Phương Oanh kể.
Mở đường cho hàng trăm học trò
Để danh chính ngôn thuận làm công tác giảng dạy âm nhạc dân tộc Việt với cây đàn tranh trên đất Pháp, bà đã bảo vệ thành công luận án GS quốc gia do Nhạc viện Âm nhạc Taverny – Pháp tổ chức. Khóa bảo vệ luận án tháng 6-1996 có 35 nghệ nhân âm nhạc dân tộc của nhiều quốc gia dự thi. Danh sách không ghi tên họ của nghệ nhân, mà ghi tên quốc gia với nhạc cụ dân tộc. “Tôi bật khóc khi thấy số báo danh của mình kèm theo tên nhạc cụ đàn tranh và 2 chữ Việt Nam. Tôi đã mất ăn, mất ngủ 3 ngày liền cho kỳ thi năm đó. Vượt qua 3 vòng thi chỉ còn lại 7 nghệ nhân được đủ điểm nhận bằng GS quốc gia Pháp về âm nhạc dân tộc” – nhạc sĩ Phương Oanh nhớ lại.
Trên suốt hành trình 45 năm hoạt động giảng dạy, hàng trăm học trò của GS – nhạc sĩ Phương Oanh đã tiếp nối con đường của bà, trở thành cô giáo truyền thụ âm nhạc dân tộc và bộ môn đàn tranh. Phượng Ca tự hào đã gầy dựng nhiều chi nhánh tại Na Uy, Canada, Bỉ, Hà Lan, Úc, Thụy Sĩ… Nhiều học trò của bà nay đã là giáo viên dạy đàn tranh tại các trường đại học lớn như: Ngọc Dung (Nhạc viện Taverny và Antony), Jacqueline (Nhạc viện Villepinte), Hồ Thụy Trang (Nhạc viện Bussy Saint Georges). Bên cạnh đó, cô giáo Vân Anh mở lớp dạy đàn tranh ở Paris, Ngân Hà (con gái của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà – nguyên Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp – người đóng vai Mẫn Đạt trong vở “Đời cô Lựu” vào tháng 2-1984 tại Pháp trong chuyến lưu diễn theo lời mời của Tổ chức UNESCO) thành lập nhóm Hợp ca quê hương, Nguyệt Ánh mở lớp dạy đàn tranh tại Octave Orsay… Nhiều học trò của bà sống được bằng nghề dạy đàn, dù trước đó để gầy dựng uy tín, họ đã phải làm nhiều công việc ở các hãng xưởng, “lấy ngắn nuôi dài” rồi sau đó mới chuyên tâm với nghề giảng dạy.
Trong thời đại toàn cầu hóa, âm nhạc truyền thống của Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang đứng trước những thách thức của thời đại, việc đưa được âm nhạc truyền thống đến gần hơn với lớp trẻ là thách thức lớn nhất.
Từ những nền tảng mà GS-TS Trần Văn Khê để lại cho việc nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam tại Pháp và một số quốc gia, đã là tiền đề thuận lợi cho các thế hệ học trò của ông tiếp bước. “Theo di nguyện để lại của thầy Khê, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện tốt các giáo trình giảng dạy âm nhạc truyền thống dân tộc. Thông qua đó, nhân rộng hơn nữa những chi nhánh dạy và truyền nghề cho cộng đồng người Việt, nhất là lứa tuổi thiếu nhi, để các em học nhạc cụ dân tộc Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam” – GS – nhạc sĩ Phương Oanh nói.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.