Người lao động cần cải thiện điều kiện làm việc
Mít tinh chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1-5 tại Quảng trường Đỏ (Nga)
Tại Cuba, hàng trăm ngàn người tập trung tại Quảng trường Cách mạng ở La Habana với quốc kỳ cùng ảnh chân dung cố lãnh tụ Fidel Castro. Sự kiện này cũng nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Chính phủ Venezuela – đồng minh, đối tác thương mại quan trọng của Cuba trong khu vực. Ở Venezuela, trong bài phát biểu trên truyền hình nhân ngày Quốc tế lao động, Tổng thống Nicolas Maduro đã yêu cầu tăng lương lên mức 60% so với hiện nay cho người lao động bắt đầu từ ngày 1-5 và cam kết cung cấp hàng ngàn ngôi nhà cho người nghèo. Đây là lần tăng lương thứ 3 cho người lao động của Chính phủ Venezuela và là lần thứ 15 kể từ khi ông Maduro trở thành tổng thống vào năm 2013.
Tại Ai Cập, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã ca ngợi người lao động ở tất cả các ngành nghề với những đóng góp to lớn giúp xây dựng lại đất nước và mang lại lợi ích cho mọi người dân. Trong sự kiện này, Tổng thống Ai Cập ra lệnh cấp thêm 5,5 triệu USD cho quỹ lao động khẩn cấp từ quỹ nhà nước “Ai Cập muôn đời”.
Trong thông điệp đưa ra nhân ngày Quốc tế Lao động, Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw cho biết, các luật về lao động tại nước này sẽ sớm được xem xét và sửa đổi nếu cần thiết theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Ngoài ra, chính phủ đã thiết lập các văn phòng hỗ trợ lao động nhằm giúp đỡ người lao động muốn đi xuất khẩu lao động, đặc biệt tới Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia.
Ở Singapore, trong ngày nghỉ cho lao động nhập cư nhân ngày 1-5, nhiều trò chơi và hoạt động tập thể do các tổ chức phi lợi nhuận và các công ty tổ chức đã diễn ra nhằm khuyến khích các lao động đóng góp cho các hoạt động phát triển kinh tế tại quốc gia này. Hiện đã có một số ý kiến tại Singapore cho rằng cần bảo vệ thu nhập cho lao động nhập cư – những nạn nhân đầu tiên nếu nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm.
Đòi quyền lợi
Tại Mỹ, hàng chục ngàn người nhập cư và các nghiệp đoàn lên kế hoạch tổ chức những cuộc tuần hành lớn trong ngày 1-5 nhằm phản đối việc Tổng thống Donald Trump ký các sắc lệnh hạn chế công dân một số quốc gia có đông người Hồi giáo nhập cảnh và tạm ngừng chương trình tị nạn ở nước này. Các cuộc tuần hành diễn ra tại các thành phố như New York, Chicago, Seattle, Los Angeles, Florida, Portland… Những nhà hoạt động vì người nhập cư đã lên tiếng kêu gọi tổ chức các cuộc đình công tại bang Indiana, Massachusetts, Texas nhằm để chính quyền hiểu rõ sự cần thiết của lao động nhập cư đối với nền kinh tế Mỹ.
Tại Paris (Pháp), an ninh đang được thắt chặt. Các vụ đụng độ xảy ra trong ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động giữa lực lượng cảnh sát và những người ủng hộ đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) đã làm 3 người bị thương, trong đó có 1 cảnh sát. Khoảng 250 hoạt động được tổ chức tại Pháp trong ngày này.
Ở Hy Lạp, các nghiệp đoàn lao động có kế hoạch tổ chức 24 giờ đình công trên các phương tiện giao thông công cộng như phà và xe lửa. Hàng ngàn người Hy Lạp xuống đường biểu tình phản đối việc Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu về kế hoạch cắt giảm ngân sách trong thời gian tới nhằm đổi lấy khoản vay cứu trợ mới
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.