Người lưu giữ những hình ảnh hào hùng của lịch sử.
Ba mươi bảy năm đã trôi qua, nhưng những hình ảnh hào hùng, dũng cảm của quân và dân Mỹ Tho trong những ngày tháng lịch sử 30/4/1975 vẫn còn sống động trong ký ức của nhiều thế hệ. Trong số những nhân chứng của lịch sử, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Biểu là người hiện lưu giữ gần 100 ảnh thời sự, báo chí về những ngày tháng Tư lịch sử.
Thời điểm cách đây ba mươi bảy năm, Trần Biểu là phóng viên ảnh của Thông Tấn xã Giải phóng khu 2. Ông cùng bộ đội tiến vào giải phóng Mỹ Tho. Bằng chiếc máy ảnh cũ hiệu Praktica, Trần Biểu đã rong ruổi khắp các con đường để ghi lại những hình ảnh hào hùng của quân và dân ta. Ông đã chụp được nhiều hình ảnh về Tiểu đoàn 514 trên đường tiến vào Mỹ Tho, hình ảnh bộ đội phất cờ trên nóc xe tăng địch, hình ảnh bộ đội tiếp quản bến tàu Hải Quân, hình ảnh nhân dân may cờ chuẩn bị mít tinh mừng chiến thắng, hình ảnh đoàn người dự mít tinh… Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Biểu chia sẻ: “Tác phẩm nhiếp ảnh của tôi đa số là ảnh thời sự, báo chí. Trong số gần 100 ảnh về chiến thắng 30/4/1975, tôi thích nhất tác phẩm mang tên “Chiến công đầu”. Đây là bức ảnh chụp hình ảnh chiếc xe tăng địch nằm trong hàng rào kẽm gai, bộ đội đang đứng phất cờ trên nóc xe tăng…”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Biểu cho biết, tham gia cùng bộ đội tiến vào Mỹ Tho, ông cảm nhận được khí thế hào hùng và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Do máy ảnh còn thô sơ, không thể đứng từ xa chụp nên ông phải bám sát đoàn quân trong nhiều tình huống. Ông không cảm thấy nỗi lo sợ hiểm nguy mà mang tâm trạng hồ hởi vì được trực tiếp chứng kiến và ghi lại lại những hình ảnh dũng cảm và hào hùng của quân và dân ta. Gần nửa tháng rong ruổi khắp nơi, ông đã chụp hàng trăm tấm ảnh thời sự, báo chí. Sau khi tráng phim và rửa ảnh, ông rất vui vì mình hoàn thành nhiệm vụ, chụp được những hình ảnh có giá trị mang tính thời sự, chính trị.
Thời điểm lịch sử 30/4/1975, trên địa bàn Mỹ Tho, huyện Cai Lậy và Chợ Gạo có một số phóng viên ảnh cùng tác nghiệp với Trần Biểu như: Huỳnh Xuân Nghĩa, Trần Hồng, Bé Trinh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhiều bức ảnh thời sự, báo chí đã bị thất lạc, hư hỏng hoặc mất bản gốc. Mấy chục năm qua, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Biểu luôn có ý thức lưu giữ những tác phẩm nhiếp ảnh về chiến thắng lịch sử 30/4/1975 của mình. Ông luôn nghĩ rằng đây là gia tài tinh thần quí giá của cuộc đời ông. Ông mong mỏi sẽ trao tặng những hình ảnh về chiến thắng lịch sử 30/4/1975 cho Bảo tàng Tiền Giang để lưu giữ và gửi gắm đến các thế hệ mai sau.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Biểu cho rằng, người chụp ảnh cần nhạy bén, chọn khoảnh khắc bấm máy đúng lúc để ghi lại những hình ảnh độc đáo của con người, sự việc. Tác phẩm nhiếp ảnh thời sự, báo chí cần đảm bảo tính chân thực, sinh động…Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Anh, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bửu đã ghi lại được những hình ảnh độc đáo trong những khoảnh khắc bất tử của lịch sử chiến tranh. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh nào cũng mơ chụp được những khoảnh khắc như vậy. Ở góc độ của một phóng viên ảnh chiến trường, Trần Biểu là người dám dấn thân và dũng cảm. Thế hệ sau nhìn những bức ảnh của Trần Biểu sẽ cảm nhận được sự độc đáo và vẻ đẹp hào hùng của con người Việt Nam trong chiến tranh.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.