Nguyễn Hữu Huân một lòng yêu nước, thương dân

Lịch sử một vùng đất bao giờ cũng gắn liền với bản lĩnh của cộng đồng các dân tộc định cư trên vùng đất đó, mà tiêu biểu là bản lĩnh các vị anh hùng hào kiệt. Nói đến Mỹ Tho, chúng ta không thể không nhắc đến “Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân” – một sĩ phu yêu nước, thương dân và là một lãnh tụ khởi nghĩa chống quân Pháp xâm lược vào nửa cuối thế kỷ XIX.

Tượng đài AHDT Thủ Khoa Huân ở TP. Mỹ Tho. Ảnh: BC
Tượng đài AHDT Thủ Khoa Huân ở TP. Mỹ Tho. Ảnh: BC

Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830 trong một gia đình trung lưu ở thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn Định Tường (nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Thuở nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Khoa thi năm 1852, ông thi Hương, đậu thủ khoa học vị Cử nhân tại trường thi Gia Định. Từ đó, nhân dân và sĩ phu trong vùng gọi ông bằng cái tên thân thiết là Thủ khoa Huân. Ông được bổ làm Giáo thọ, tức Đốc học huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông từ bỏ chức Giáo thọ, liên kết với các sĩ phu yêu nước trong vùng chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa ở Mỹ Quí – Thuộc Nhiêu, thay thế cho lực lượng của Phủ cậu Trần Xuân Hòa đã bị quân Pháp đàn áp tan rã.

Sau khi 3 tỉnh miền Đông bị thực dân Pháp đánh chiếm, cự tuyệt với chủ trương đầu hàng, cắt đất dâng cho giặc Pháp của triều đình nhà Nguyễn, Nguyễn Hữu Huân đem toàn bộ lực lượng của mình tham gia vào nghĩa quân của Trương Định ở Tân Hòa (Gò Công) tiếp tục đánh Pháp. Ông được Trương Định cử làm Phó quản đạo, hoạt động trên địa bàn từ Tân An đến Mỹ Tho. Đầu năm 1862, giặc Pháp đánh úp, bắt và giải ông về giam ở Sài Gòn, đã dùng mọi thủ đoạn mua chuộc ông, nhưng ông từ chối và tìm mọi cách trốn thoát.

Tháng 2-1863, sau khi căn cứ Tân Hòa thất thủ, ông trở về Chợ Gạo xây dựng căn cứ Bình Cách (nay là xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo). Từ căn cứ này, dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã tỏa ra đánh quân Pháp ở Chợ Gạo, Mỹ Quí (Cai Lậy), Thuộc Nhiêu (Châu Thành), Mỹ Tho…

Giữa năm 1863, giặc Pháp tấn công căn cứ Bình Cách. Nghĩa quân đã chiến đấu anh dũng, khiến bọn chúng phải khó khăn lắm mới phá vỡ được căn cứ này. Để bảo toàn lực lượng, ông cho nghĩa quân rút lên vùng Thuộc Nhiêu tiếp tục cuộc chiến đấu. Nghĩa quân liên tiếp mở nhiều cuộc tấn công vào quân địch ở Cái Thia, Cái Bè, Cai Lậy, Rạch Gầm, Trung Lương, Tân Lý… gây cho chúng nhiều tổn thất, nhất là số binh lực.

Cuối năm 1863, quân Pháp huy động lực lượng tấn công căn cứ Thuộc Nhiêu. Nghĩa quân phải rút vào Đồng Tháp Mười xây dựng căn cứ mới. Theo sự phân công giữa ông với Võ Duy Dương, ông sang An Giang – nơi còn thuộc quyền kiểm soát của triều đình để tuyển mộ nghĩa quân và vận động nhân dân đóng góp tiền của, lương thực cho kháng chiến, nhưng do áp lực của thực dân Pháp, tháng 7-1864 viên quan Tổng đốc An Giang nhu nhược bắt ông giao nộp cho quân giặc. Bị giam cầm ở­ Sài Gòn, dù thực dân Pháp đem mọi thứ ra dụ dỗ, nhưng ông kiên quyết từ chối. Cuối cùng, ngày 22-8-1864 ông bị chúng kết án 10 năm khổ sai, đày đi đến đảo Cai-ven (Cayenne) ở Trung Mỹ.

Sau 5 năm bị lưu đày biệt xứ, đầu năm 1869 ông được thực dân Pháp ân xá đưa về nước, quản thúc tại nhà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, giao cho ông làm Giáo thọ ở Chợ Lớn. Nguyễn Hữu Huân lợi dụng điều kiện dạy học để liên lạc với các sĩ phu yêu nước và hội kín Hoa kiều Trường Phát nhờ mua vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa.

Công việc bị lộ, do thám Pháp bắt được thuyền chở vũ khí. Trước tình hình đó, ông bí mật trở về Mỹ Tho huy động lực lượng hợp cùng nghĩa quân của Âu Dương Lân khởi nghĩa chống quân Pháp lần thứ 3. Dân chúng gồm người Việt, Hoa, Chăm… tham gia vào nghĩa quân rất đông, trong đó có cả các vị tu hành, điền chủ, hương chức, hội tề. Thủ lĩnh ở nhiều nơi cũng tham gia phong trào như: Nguyễn Văn Chất ở Vĩnh Long; Lê Công Thành, Phan Văn Đồng, Lâm Lễ ở Cần Thơ…

Từ đây, phong trào chống Pháp do ông đứng đầu lan tỏa mạnh mẽ khắp vùng Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn, Chợ Gạo… Lực lượng kháng chiến được xây dựng ở nhiều thôn xã, nhất là ở Mỹ Tho và Chợ Gạo.
Đầu năm 1875, thất trận ở Bình Cách, ông cùng tùy tùng là Đốc binh Hương rút về Chợ Gạo trấn giữ vùng đất gần biển, để khi tình thế nguy cấp thì dùng thuyền chạy ra Bình Thuận cầu viện triều đình.

Nhưng Đốc binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc đã dẫn quân Pháp về bắt Nguyễn Hữu Huân ở Chợ Gạo ngày 15-5-1875. Chúng giải ông về giam ở Mỹ Tho. Quân Pháp ra sức mua chuộc, dụ dỗ, hứa hẹn ban thưởng chức tước, bổng lộc nhưng vẫn không lung lạc được ông, cuối cùng chúng cho tàu chở ông theo dòng Bảo Định về Mỹ Tịnh An hành hình lúc 12 giờ ngày 19-5-1875 (nhằm ngày rằm tháng 4 năm Ất Hợi).

Trên tàu, ông vẫn ung dung, bình thản trước cái chết. Lúc sống, ông được toàn dân và sĩ phu yêu mến, kính phục, tin theo. Khi hy sinh, ông càng được toàn dân tri ân và suy tôn như một vị Anh hùng dân tộc.
Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, ước nguyện chưa đạt, nhưng Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân đã để lại cho đời tấm gương về lòng yêu nước, thương dân; về tinh thần kiên trung, bất khuất; về phẩm chất thắng không kiêu, bại không nản, tiền tài, danh vọng, uy vũ không thể khuất phục một con người sống có lý tưởng cao đẹp vì đất nước độc lập, vì hạnh phúc của nhân dân.

Là người theo ý thức hệ Nho giáo với “tam cương, ngũ thường”, trong đó tư tưởng “trung quân” là tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất, nhưng vì lấy lòng yêu nước, thương dân làm lẽ sống nên ông đã chiến đấu kiên cường “thua keo này, bày keo khác”. Điều này thể hiện đầy đủ nhất quan điểm “ái quốc thân dân”.

Nguyễn Hữu Huân vượt xa các sĩ phu đương thời trong quan niệm về đạo “cương thường” của Nho giáo. Với tư tưởng vững vàng nên trong hành động ông kiên định con đường đánh giặc cứu nước. Dù con đường đó còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng ông đã dũng cảm vượt qua, sẵn sàng hy sinh bản thân, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Với lòng tôn kính Anh hùng Nguyễn Hữu Huân, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang luôn quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích từng gắn liền với cuộc đời và hoạt động chống Pháp của ông. Đền thờ Nguyễn Hữu Huân tại xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, đặc biệt là tượng đài Nguyễn Hữu Huân sừng sững ở trung tâm TP. Mỹ Tho, bên bờ sông Tiền hiền hòa, thơ mộng như là biểu tượng hào hùng và khí phách quật khởi của nhân dân Mỹ Tho xưa…

Nhiều năm qua, lễ tưởng niệm ngày Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hy sinh được tổ chức hàng năm. Đây là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường, dũng cảm của cha ông trong xây dựng quê hương Tiền Giang tươi đẹp, hạnh phúc, văn minh của thế hệ trẻ để đáp đền công lao to lớn của các anh hùng và nghĩa sĩ đã đổ máu xương vì mảnh đất thân yêu này.

Nguồn Ấp Bắc