Nguyễn Quang Sáng – Người sống mãi trong “Cánh đồng hoang”
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tuy chỉ đi xẹt qua điện ảnh nhưng đã để lại tia sáng rực rỡ như ánh sao băng sáng chói một thời.
Sững sờ và đau đớn khi nghe tin ông ra đi. Cho dù chuyến đi của ông thật thanh thản và nhẹ nhàng. Ông để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ bằng các tác phẩm văn xuôi của mình. Bên cạnh đó, như một sân chơi thêm của ông, nhưng cũng rất thành công – đó là điện ảnh.
Những năm 1970 khi nước nhà chưa thống nhất, lần đầu tiên tôi được gặp nhà văn Nguyễn Quang Sáng ở trường viết văn Quảng Bá. Ông là nhà văn miền Nam đến thăm trường. Tôi, học viên viết văn trẻ khóa 7. Khi ấy ông đã rất nổi tiếng. Chúng tôi kính cẩn nhìn ông như núi Thái. Ông ít nói, chỉ đứng nhìn đám hậu sinh lao xao chuyện văn chương… Sau này, vào cuối những năm 1980, sau khi đi học điện ảnh ở Nga về, tôi mới thật sự được làm quen với ông, được trò chuyện cùng ông một cách thân tình và được ông quý mến ưu ái coi như người bạn nhỏ đồng nghiệp.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng |
Trong những câu chuyện ông kể, ông hay nói với tôi về điện ảnh. Về bộ phim Cánh đồng hoang bây giờ đã trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh nước nhà, ông bảo đó là cái duyên đưa ông đến với điện ảnh. Duyên từ những người bạn quý như đạo diễn Hồng Sến. Yêu nhau, thương mến nể tài, quý tình trọng nghĩa nên ông muốn viết một kịch bản thật hay để Hồng Sến làm phim. Hai ông tương đồng nhiều thứ, bạn chiến đấu, lại ngang tài nhau trong các lĩnh vực nghệ thuật… Ông phục tài quay phim của đạo diễn Hồng Sến, yêu cách nghĩ cách cảm mộc mạc nhưng đầy say mê, tài hoa của Hồng Sến… Và những trang bản thảo kịch bản Cánh đồng hoang ra đời.
Cảnh trong phim Cánh đồng hoang – một bộ phim kinh điển của VN ra đời từ tài năng của nhà văn – biên kịch Nguyễn Quang Sáng và đạo diễn Hồng Sến – Ảnh tư liệu |
Một câu chuyện dung dị – không thể dung dị hơn về một gia đình nhỏ có một con trai nhỏ sống trên mái lán dập dềnh trên sông nước Đồng Tháp Mười. Họ sống, lao động, giúp đỡ bộ đội và trực tiếp chiến đấu bảo vệ gia đình, hạnh phúc bé nhỏ của mình. Chuyện dung dị nhưng cũng thật sâu sắc, đầy tính biểu trưng, đầy hiện thực không khoa trương hay tô vẽ. Cuộc sống, chiến đấu của người dân Nam bộ như thế nào đã được hai ông khắc họa y như thế. Cứ dường như phim không cần bố cục, không cần chỉnh sửa…, cuộc sống cứ tự nhiên đi vào kịch bản, đi vào phim… Cái tài của nhà văn cũng chính là nằm ở chỗ đó. Cái tài của nhà đạo diễn cũng vậy. Trong mối thâm tình thẳm sâu đó, có lần ông ghé tai tôi nói nhỏ: “Hồng Sến tốt lắm. Anh chịu ơn Hồng Sến nhiều”. Sự “chịu ơn” này là gì, chịu, tôi không hiểu và cũng chẳng cần hiểu. Chỉ biết rằng hai ông đã để lại cho điện ảnh VN một tác phẩm vàng ròng vô giá. Điều đó mới là quan trọng. Và chúng ta, hậu thế, lúc nào cũng ngả mũ trước tài năng của hai nhà đồng sáng tạo nên Cánh đồng hoang này.
Cuộc đời của mỗi nhà văn nếu chỉ tạo nên được một đỉnh núi đã là vĩ đại rồi. Nhưng nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người luôn luôn tạo ra những đỉnh núi. Tôi thật sự ngưỡng mộ văn ông. Giản dị và rất đời. Ông viết không cầu kỳ, câu văn chắc nịch và sống động. Ông rất tài trong việc điều khiển con chữ. Ông không thèm học một ngày nào, kể cả viết văn cũng như làm điện ảnh. Nhưng kịch bản của ông đầy ắp hình ảnh, ngồn ngộn hình ảnh, điều mà trong các trường lớp lớn của Nga của Mỹ lấy đó làm điều răn đầu tiên cho sinh viên. Tôi đồ rằng ông cũng chẳng thèm đọc sách lý luận nữa… vậy mà ông tóm trúng phóc ngôn ngữ chính của điện ảnh là gì. Tôi lúc nào cũng nghĩ nhà văn Nguyễn Quang Sáng không chỉ là nhà văn tài ba mà ông còn là một nhà thông thái. Ông quá từng trải, lăn lộn một sống hai chết trong chiến tranh, lại ung dung tĩnh tại thong thả trong thời bình… Ông nhìn đời bao giờ cũng bao dung và độ lượng. Đâu chỉ có Cánh đồng hoang, ông còn viết rất nhiều kịch bản nổi tiếng khác như Chiếc lược ngà, Mùa gió chướng, Cho đến bao giờ, Dòng sông hát, Thời thơ ấu, Như một huyền thoại…
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng tuy chỉ đi xẹt qua điện ảnh nhưng đã để lại tia sáng rất rực rỡ. Như ánh sao băng sáng chói một thời không bao giờ quên. Ông – trong quãng đời sáng tạo sung mãn của mình – luôn luôn đồng hành cùng điện ảnh, quan tâm đến điện ảnh và dành cho điện ảnh những tình cảm đặc biệt nhất. Mỗi kỳ liên hoan phim quốc gia, ông đều được trân trọng mời làm chánh chủ khảo. Người bình thường thấy oai nhưng ông vui vẻ cho rằng được ra Bắc là dịp vui hiếm có, được chan hòa trong không khí điện ảnh như một sự thay đổi không khí. Với ông, chả có chuyện gì quan trọng cả… ông quan niệm thế và đã sống như thế. Kể cả chuyến ra đi về cõi vĩnh hằng cũng vậy, thanh thản như “anh nông dân cày xong thửa ruộng” vậy.
Vĩnh biệt ông./.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.