Nhà báo và những áp lực

Cánh Nhà báo thường kêu ca khó khăn trong việc thu nhập tư liệu về những vấn đề, vụ việc có liên quan đến tiêu cực hay trách nhiệm của cá nhân nào đó. Dù vậy, vẫn có không ít trường hợp tiếp cận tư liệu để viết bài tuyên tuyền những chủ trương, chính sách cũng không phải dễ.“Sợ”…nhà báoCách đây không lâu, trong một lần về quê hương Nam Kỳ Khởi Nghĩa lấy tư liệu viết bài phản ánh nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Do không hẹn trước, khi đến trụ sở UBND xã, tôi đã không gặp được Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Quản lý Xây dựng nông thôn mới của xã. Anh Phó Chủ tịch UBND xã tiếp chúng tôi cho biết, Chủ tịch UBND xã bận đi học, còn anh không nắm vấn đề trên nên hẹn vào khi khác. Tôi chuẩn bị ra về trong nỗi thất vọng. Thất vọng do không lấy được tư liệu thì ít mà lo lắng bài viết không kịp đăng trong chuyên trang vào thứ 2 tới nhiều hơn. Tôi đang loay hoay suy tính cách nào để lấy được thông tin, gặp được người có trách nhiệm trong thời gian sớm nhất. Trong lúc thất vọng ấy, tôi may mắn gặp được Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới của xã. Khi biết mục đích của tôi đến đây, ông gọi cán bộ tuyên huấn đến cung cấp thông tin. Vị cán bộ tuyên huấn này rất nhiệt tình dù rằng ông không phải là thành viên Ban Chỉ đạo hay Ban Quản lý cũng không biết nhiều về vấn đề xây dựng nông thôn mới. Trao đổi xong, tôi nhờ anh mời Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo vào để trao đổi một số vấn đề về quan điểm chỉ đạo và định hướng của xã trong thời gian tới. Không lâu sau, vị cán bộ tuyên huấn vào báo ông ấy bận dự lớp triển khai Nghị quyết Trung ương 4 cho cán bộ, đảng viên của xã, không thể trả lời. Tôi nhờ cán bộ này nói lại với ông ấy, chỉ trao đổi vài phút, không mất nhiều thời gian của ông ấy đâu. Ông ấy vẫn không đồng ý. Tôi hiểu đây chỉ là lý do để từ chối. “Có lẻ ông ấy không muốn trả lời báo chí. Tôi cũng hết cách”- vị cán bộ tuyên huấn xã nhiệt tình bày tỏ.

Tôi nán lại một thời gian để cố tìm gặp và thuyết phục ông. Tôi ra lớp triển khai Nghị quyết không thấy ông đâu. Bất ngờ, tôi thấy ông từ phía nhà làm việc kề bên bước ra. Tôi liền đến đề nghị ông nói một vài ý với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo. Nếu quá bận tôi sẽ chờ ông sau khi hội nghị kết thúc nhưng ông vẫn cương quyết từ chối.  Tôi ra về trong nỗi thắc thỏm vì không biết bài viết phải thể hiện thế nào cho sinh động. Tôi tự hỏi: “Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tiếp cận đưa tin, viết bào về xây dựng nông thôn mới. Vấn đề không có gì phức tạp, nhại cảm, sao lãnh đạo nơi đây lại ngại tiếp xúc với báo chí, trong khi trong báo cáo đều luôn có câu: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong dân và cán bộ.

Dù vậy, sau đó bài viết cũng đã được đăng nhưng trong tôi vẫn có chút không hài lòng vì không có những lời dẫn trực tiếp, gián tiếp của những người có trách nhiệm để bài báo thêm sinh động.

Bận họp, đi công tác

Đây là chuyện thường ngày của cán bộ “huyện”. Nhưng đây là được xem là giải pháp an toàn cho những lãnh đạo muốn “né” cánh nhà báo. Trong một lần tôi liên lạc qua điện thoại hẹn gặp lãnh đạo ở một xã nọ trao đổi một số vấn đề trong thời gian ngắn. Vị lãnh đạo xã bảo bận đi họp, hẹn khi khác. Ngày hôm sau, tôi lại liên lạc với ông vẫn nhận câu trả lời như hôm trước. Thời gian nộp bài cho tòa soạn không còn nhiều, tôi quyết định xuống tận nơi trên với hy vọng không gặp chủ tịch thì có thể gặp Phó Chủ tịch hoặc chờ chủ tịch họp xong sẽ gặp. Khi đến nơi, thật bất giờ, vị chủ tịch này không hề bận họp. Ông hơi bất ngờ vì sự có mặt của tôi và tự “chữa cháy”: “Tôi tính đi họp nhưng nghĩ lại còn nhiều việc phải làm nên gọi ông phó chủ tịch đi thế”.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp này. Chuyện từ chối nhà báo với lý do này hay lý do khác của lãnh đạo, cán bộ có trách nhiệm không phải hiếm. Ngoài ra, giới cán bộ này còn có chiêu “chuyền bóng” giữa lãnh đạo với nhân viên, cấp phó và cấp trưởng. Có nơi thủ trưởng giao cho cấp phó trả lời nhưng sau khi báo đăng lại không hài lòng với những trả lời đó. Một lần nọ, sau khi báo đăng, một cấp phó đã điện thoại cho tôi tâm tư: “Tôi trả lời cho Nhà báo như thế lại bị thủ trưởng la. Sự thật là như thế trả lời khác sao được?. Câu chuyện này làm tôi nhớ lại một lần về Gò Công Tây phản ánh về tình hình bùng phát rầy nâu. Một cán bộ xã được phân công hướng dẫn chúng tôi đi thực tế cho biết rầy nâu đang hoàn hoành các trà lúa trong xã, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật vẫn không hiệu quả, gây giảm năng suất không nhỏ diện tích. Công việc xong, tôi còn hỏi lại ông một nhận định, số liệu. Nhưng thật bất ngờ một giờ sau đó, tôi nhận điện thoại của anh và anh phủ nhận hoàn toàn những nhận định, thông tin vừa cung cấp. Anh đánh giá lại rầy nâu diễn biến không đáng ngại, chưa ảnh hưởng đến sản xuất. Tôi không biết cơ sở nào anh lại nói như thế, trong toàn tỉnh đang bùng phát rầy nâu, hàng nghìn diện tích bị giảm năng suất, các nhà chuyên môn đang tổ chức phun xịt đồng loạt, những nông dân mà tôi tiếp xúc cũng phản ánh hình hình lờn thuốc của rầy nâu, lúa bị suy yếu do mật độ rầy bám cao.

Nhà báo chịu nhiều áp lực từ nguồn tin cơ quan chức năng và tòa soạn. Tâm lý né tránh trả lời với báo chí gây rất nhiều khó khăn cho việc thu thập tư liệu của phóng viên. Nguyên nhân có thể một phần báo chí đã làm người có chức năng cung cấp thông tin e ngại. “Tôi nói thật rất sợ cung cấp thông tin cho nhà báo. Chỉ cần nói lỡ là bị đưa lên báo ngay. Mình nói theo hướng này, báo chí đưa hướng khác…”- một vị lãnh đạo UBND huyện từng tâm sự với tôi. Nói đi cũng phải nói lại, có những lãnh đạo ngại tiếp xúc với báo chí vì những lý do khác. Và khi đó, những người làm báo chân chính, với trái tim yêu nghề, cố gắng sáng tạo ra tác phẩm báo chí hay sẽ bị vạ lây.

Ngô Tông