Nhà rông Kon Tum

       Kon Tum là vùng đất có nhiều dân tộc bản địa nhất Tây Nguyên gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Ja Rai, Jẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, là vùng đất mang đậm nét truyền thống sử thi và cũng là quê hương của ngôi nhà rông truyền thống.

Nhà rông là một tác phẩm nghệ thuật lớn bao gồm điêu khắc, hội họa, trang trí,… đặc biệt là sự thể hiện không gian thiêng liêng, sức mạnh cộng đồng, là linh hồn của làng bản. Nhà rông chiếm giữ vị trí quan trọng nhất trong tư duy và hiện thực đời sống sinh hoạt của tất cả các thành viên trong cộng đồng.

Nhà rông gắn với lịch sử cư trú lâu đời của các dân tộc bản địa ở Kon Tum. Nhà rông Kon Tum có kỹ thuật đơn giản, kiến trúc đa dạng, không chỉ hấp dẫn bởi kiểu dáng đẹp cùng các hình thức trang trí đặc sắc mà còn ở tập quán sử dụng. Buôn làng có nhà rông như được tiếp thêm sức sống.
 


Ngôi nhà rông là linh hồn của đồng bào các dân tộc ở Kon Tum. (Ảnh: Minh Đức)

Nhà rông thường được bố trí nằm ở vị trí trung tâm của buôn làng. (Ảnh: Văn Phát)

Nghệ thuật điêu khắc, hội họa, trang trí hội tụ trong kiến trúc của một ngôi nhà rông. (Ảnh: Văn Phát)

Du khách tham quan một bản làng ở Kon Tum. (Ảnh: Minh Đức)

Vật liệu làm nhà rông chủ yếu bằng tranh, tre, nứa, lá và gỗ. (Ảnh: Minh Đức)

Nhà rông là nơi tổ chức nhiều hoạt động xã hội của cộng đồng. (Ảnh: Văn Phát)

Cùng với cồng chiêng, nhà rông được xem là một biểu tượng văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên. (Ảnh: Văn Phát)


Nhà rông thường được bố trí nằm ở vị trí trung tâm của buôn làng. Mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong kiến trúc, tạo dáng và trang trí. Vật liệu để làm nhà rông được làm chủ yếu bằng các vật liệu của chính núi rừng như cỏ tranh, tre, gỗ, mây, lồ ô… Người ta thường làm nhà rông bằng phương pháp thủ công và các hộ gia đình trong làng cùng tham gia.

Trải qua quá trình phát triển của xã hội, nhà rông luôn vững chãi, trường tồn với thời gian. Ngoài yếu tố xã hội, nhà rông đã trở thành biểu trưng không chỉ của tỉnh Kon Tum mà của cả các tỉnh khu vực Tây Nguyên, là sản phẩm du lịch đặc biệt thu hút khách du lịch quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.

Để bảo tồn và gìn giữ những giá trị truyền thống của nhà rông, trong những năm qua, nhà nước và các cấp chính quyền đã có sự quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương tu sửa, xây dựng nhiều nhà rông.

Theo định hướng phát triển năm 2013 và những năm tiếp theo của tỉnh Kon Tum, 100% số thôn làng đồng bào các dân tộc của tỉnh đều có nhà rông truyền thống./.