Nhà vườn trồng cây ăn trái ở Cai Lậy ứng phó tốt với hạn mặn
(THTG) Do nằm ở vùng có nguy cơ cao bị nước mặn từ sông Tiền và sông Hàm Luông xâm nhập nên từ mùa khô các năm trước, chính quyền và các ngành chức năng ở huyện Cai Lậy đã triển khai các giải pháp phòng chống hạn mặn, nên đến thời điểm này có thể nói sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, nhất là vườn cây ăn trái có giá trị cao ở vùng Nam lộ và dọc theo sông Tiền không bị thiệt hại do hạn mặn.
Nhà vườn trồng cây ăn trái ở Cai Lậy ứng phó tốt với hạn mặn
Ngay từ đầu mùa khô, huyện ban hành và quán triệt đến tận 100% xã, thị trấn về phương án phòng chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất và cung cấp nước sạch sinh hoạt. Trong đó, giải pháp công trình được thực hiện từ rất sớm để kiện toàn hệ thống thủy lợi, sửa chữa cống đập, bảo đảm hiện trạng tốt nhất, ứng phó hiệu quả nhất với diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn. Đặc biệt, người dân tự giác cao trong việc phối hợp với chính quyền cơ sở nạo vét, khai thông các tuyến kênh liên ấp, liên xóm để dễ dàng dẫn nước ngọt từ kênh trục về tưới cho vườn cây theo tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng ứng phó với hạn mặn”.
Riêng các vườn cây ở xa kênh thủy lợi, người dân dự trữ nước tưới cây bằng cách đào ao hoặc quây bạt làm ao ngay trong vườn nhà. Riêng một số hộ áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây phù hợp với điều kiện hạn mặn như: tưới nhỏ giọt, giữ ẩm cho vườn hoặc cập nhật sát sao độ mặn để lấy nước không nhiễm mặn bổ cấp cho mương vườn nên vẫn đủ nước ngọt tưới cây cây vượt qua 2 tháng cao điểm của hạn mặn. Thậm chí, ngay trong mùa hạn mặn này mà một số vườn sầu riêng vẫn cho thu nhập nhờ nông dân có nhiều kinh nghiệm nên làm chủ được quá trình sản xuất.
Huyện Cai Lậy không những là địa phương có nguy cơ cao bị xâm nhập mặn mà còn là địa bàn trọng điểm trồng sầu riêng của tỉnh. Trong đó, 2 cù lao là Ngũ Hiệp và Tân Phong có bốn bề giáp sông nên huyện chủ động đắp 5 đập tạm ở các vị trí xung yếu gồm: đập Ông Dú, đập Ba Kẽm, đập Cả Bần, đập Thủ Cẩm và đập Lầu với tổng kinh phí 7,4 tỷ đồng, đã ngăn chặn triệt để nước mặn xâm nhập vào hệ thống thủy lợi nội đồng. Các đập tạm này vận hành linh hoạt, tùy vào tình hình mặn mà lấy gạn nước, kịp thời bổ túc thêm nguồn nước cho hệ thống thủy lợi nội đồng nên đến thời điểm này, chưa xảy ra tình trạng cây ăn trái bị thiếu nước ngọt tưới.
Hiện tại độ mặn trên các sông đều đồng loạt giảm, ở nhiều vị trí xung yếu độ mặn bằng 0g/l và một số cống vận hành mở, lấy nước ngọt vào nội đồng nên có thể nói vườn cây ăn trái ở huyện Cai Lậy đã vượt mặn thành công. Tuy nhiên, trong những ngày tới do ảnh hưởng của El Nino nên nắng nóng, nền nhiệt cao. Các nhà chuyên môn khuyến cáo nông dân tiếp tục tưới đủ nước cho cây và cung cấp thêm dinh dưỡng để giúp cho cây trồng vượt qua hạn mặn và cho năng suất cao.
Kim Nữ – Việt Bình
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.