Nham Gò Công

Nói đến Gò Công, vùng đất nằm dọc theo sông Tiền, đổ ra biển, nổi tiếng với mắm tôm chà, do bà Từ Dũ tiến cống cung đình nấu cho nhà vua ngự thiện, bà cho dọn mắm tôm chà Gò Công ăn với bún thịt phay rau sống.

Vua Thiệu Trị khen ngon, thích thú và bén mùi… Đặc điểm thổ nhưỡng của vùng nước lợ nên Gò Công có nhiều sản vật: Nghêu, sò, tôm, cua… đặc biệt là cua gạch non tuyệt hảo. Do đó, nhân dân đã chế biến được món nham một cách tài tình.

              

Nham Gò Công – Đặc sản Tiền Giang

Nham Gò Công một món gỏi (hay gọi là nộm theo cách miền Bắc) gồm thịt heo ba chỉ luộc cắt nhỏ, trộn với chuối khế với chỉ một thứ rau dấp cá (diếp cá, giấp cá – houttuynia) cùng nạc cua, gạch cua của một loại cua ở Gò Công. Thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, cách Sài Gòn chưa tới trăm cây số và vào mùa cua gạch non, các bạn xa quê lại í ới gọi nhau về ăn nham Gò Công. Loại cua nước lợ ở đây có một cái mùi ngai ngái như rong biển lẫn mùi nồng nồng rất đặc biệt mà nhiều người cho là khó ăn. Thêm nữa, món nham chỉ dùng kèm độc một loại rau dấp cá là loại rau có vị chua nhẹ và tanh mùi cá mà không phải ai cũng ăn được. Chính sự pha trộn hai loại thực phẩm có mùi vị rất đặc trưng này đã làm cho món nham Gò Công trở thành là một món ăn có mùi vị rất độc đáo và, cũng vì vậy, không phổ thông lắm. Việc này giống như món don Quảng Nam. Với món nham Gò Công, ngay cả dân địa phương cũng không cho nham là món ăn cơm mà đó chỉ là một món ăn chơi.

Nham Gò Công còn là một món gỏi mà đa số quý ông thích ăn nhậu những món dân dã đều cho là rất ” bắt mồi” nhất là khi họ sử dụng luôn cả phần mô phổi cua cắt nhỏ khiến cho món ăn nồng hăng hơn. Nhìn quý ông nhấm nháp miếng nham rồi đưa cay bằng rượu trắng Gò Đen nặng gắt mùi, chép miệng khen ngon thì chắc là họ có cái lý riêng của họ. Và chính mùi vị đặc trưng của món nham Gò Công như thế cho nên du khách muốn tìm món nham Gò Công ơ các nha hàng đặc sản thì hơi khó. Nhưng nếu bạn gọi món gỏi cua thì họ sẽ dọn ra một món gỏi có hình thức và cách chế biến giống hoàn toàn món nham Gò Công. Có khác chăng là họ dùng cua biển hoặc cua nước ngọt thuần túy chứ không phải là loại cua nước lợ Gò Công và món gỏi cua này nhiều người lại cho là rất dễ ăn vì không có cái mùi… Gò Công đó.