Nhân rộng các điển hình trong học sinh dân tộc thiểu số
Để động viên, khuyến khích học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) vượt mọi khó khăn, phấn đấu học tập, rèn luyện đạt thành tích cao trong học tập, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương học sinh DTTS đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đỗ điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vào ngày 5-11 tới. Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc chụp ảnh lưu niệm với giáo viên, học sinh Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc. Ảnh: Xuân Trường |
Quan tâm thiết thực Những năm qua, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp các bộ, ngành, các địa phương dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, nhất là đẩy mạnh công tác giáo dục – đào tạo trên các địa bàn còn nhiều khó khăn, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Nhờ sự chăm lo thiết thực, nhiều học sinh DTTS đã có điều kiện tốt để học tập, khẳng định bản thân. Tại lễ tuyên dương năm nay, Ban tổ chức đã lựa chọn 137 học sinh tiêu biểu là người DTTS trên cả nước đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đỗ điểm cao trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2015-2016. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, để có được thành tích đáng khích lệ, phải kể đến sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Dân tộc và những người làm công tác dân tộc trên cả nước, các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Nhờ sự quan tâm từ cơ sở, từ các cấp mầm non đến đại học. Mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục vùng DTTS và miền núi được củng cố, phát triển. Đến nay, phần lớn thôn, bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã có trường lớp mầm non, tiểu học. Hầu hết các xã đã có trường trung học cơ sở, các huyện đã có trường trung học phổ thông, nhiều trường mầm non, phổ thông cơ sở đã đạt chuẩn quốc gia. Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và trường dự bị đại học dân tộc cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ người DTTS cho các DTTS và miền núi. Trong năm học 2015-2016 vừa qua, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tiếp tục được củng cố về quy mô và chất lượng đào tạo. Hiện nay, trường phổ thông dân tộc nội trú đã được thành lập ở 50 tỉnh, thành phố với 314 trường, bao gồm ba trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, 51 trường cấp tỉnh, 260 trường cấp huyện (tăng ba trường so năm 2015). Về cơ bản, các tỉnh, huyện ở vùng DTTS và miền núi đều có trường phổ thông dân tộc nội trú, một số địa phương có trường liên huyện, trường cụm xã với tổng số học sinh dân tộc nội trú trên toàn quốc là 91.193 em (tăng 2.964 học sinh so năm học 2014-2015). “Chất lượng giáo dục toàn diện của các trường phổ thông dân tộc nội trú đã được nâng lên. Có thể thấy, những năm gần đây, số lượng học sinh giỏi, thi đỗ và được tuyển thẳng vào đại học hoặc đoạt giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế là con em DTTS đều tăng mỗi năm…”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn chia sẻ. Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng đối với chất lượng giáo dục vùng DTTS và việc phát triển nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi trong tương lai. Lan tỏa những tấm gương tiêu biểu Những em học sinh DTTS đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đỗ điểm cao, thủ khoa vào đại học trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 thật sự là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, nỗ lực cố gắng phấn đấu trong học tập. Trong đó nhiều tấm gương sáng là nguồn khích lệ cho những em học sinh khác vươn lên trong học tập, khắc phục khó khăn trong cuộc sống; là những hạt giống đỏ, sau này quay về phục vụ bản làng, bà con phát triển kinh tế, phát triển sự nghiệp giáo dục. Những tấm gương nổi bật phải kể đến như: Tống Mỹ Linh, dân tộc Hà Nhì, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Lai Châu; em Lê Ngọc Lan Tuyết, dân tộc Nùng, Trường THPT chuyên Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; em Hoàng Thúy Ngân, dân tộc Tày, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái… Đó là những học sinh tiêu biểu vươn lên trong khó khăn, học giỏi, được thầy cô yêu quý, các bạn ngưỡng mộ, noi theo. Để ngày càng có nhiều những tấm gương tiêu biểu, ngoài nỗ lực của chính các em còn có sự đồng hành, sự quyết tâm của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cùng ngành giáo dục và chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở vùng DTTS. Trong đó, đội ngũ giáo viên cũng chịu khó tìm tòi, học tiếng dân tộc, tích cực hướng dẫn học sinh học tập, rèn luyện; đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh DTTS, đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù… Điều quan trọng là chính những hoạt động nêu trên đã góp phần thay đổi những tập tục lạc hậu, lối nghĩ, nếp sống cho học sinh DTTS và làm thay đổi nhận thức của chính các bậc phụ huynh có con em đang tuổi đến trường. Tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo chính là giải pháp then chốt, bền vững để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi. Với vai trò là cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước trong việc thực hiện, xây dựng, hoạch định chính sách dân tộc, công tác dân tộc, những năm qua, Ủy ban Dân tộc đã nghiên cứu tham mưu, đề xuất nhiều chính sách, giải pháp phù hợp để vùng miền núi, dân tộc phát triển bền vững, trong đó có chính sách về đào tạo nguồn nhân lực. Ủy ban Dân tộc tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các chính sách hiện hành nhằm tập trung nguồn lực cho công tác phát triển nguồn nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, trong đó có học sinh, sinh viên. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá, những học sinh tiêu biểu vượt khó, học giỏi là người DTTS đều là những học sinh chăm ngoan, có tinh thần khắc phục khó khăn, thiếu thốn, là những tấm gương cần được lan tỏa mạnh mẽ, là những “trụ cột” để xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Lễ tuyên dương cũng là dịp để các em gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học tập, tiếp tục phát huy thành tích, học tập tốt, phấn đấu thành những nhân tài cống hiến cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng. |
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.