Nhật Bản kiểm tra nồng độ phóng xạ trong gạo

      Ngày 4.8, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản yêu cầu mọi địa phương tiến hành kiểm tra nồng độ chất phóng xạ trong lúa trước khi thu hoạch và lập tức loại bỏ loại gạo bị nhiễm phóng xạ trên mức quy định do chính phủ đề ra.

            d

           Cánh đồng khô hạn sau trận động đất, sóng thần ngày 11.3.

Việc kiểm tra sẽ được thực hiện trước và sau thời điểm thu hoạch lúa khoảng một tuần. Địa phương nào phát hiện nồng độ phóng xạ trong gạo vượt quá 200bq/kg sẽ phải đo nồng độ phóng xạ trên toàn bộ các diện tích trồng lúa. Trong trường hợp nồng độ phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn quy định tạm thời 500bq/kg, gạo sản xuất tại địa phương đó sẽ bị cấm xuất ra thị trường và bị tiêu huỷ toàn bộ. Trường hợp không tuân thủ lệnh cấm xuất gạo ra thị trường sẽ bị phạt tù 1 năm.

Hơn 3.000 địa điểm thuộc 14 tỉnh, thành tại Nhật Bản sẽ phải tiến hành kiểm tra nồng độ phóng xạ trong gạo, trong đó có cả thủ đô Tokyo và những địa phương có nồng độ chất phóng xạ cesium trong đất vượt quá 1.000bq/kg và lượng phóng xạ vượt quá 0,1 microsievert/giờ. Được biết, năm 2010, Nhật Bản sản xuất khoảng 8,3 triệu tấn gạo, trong đó phần lớn cung cấp cho thị trường nội địa, còn khoảng 1.900 tấn được xuất khẩu tới Hồng Kông, Singapore và Đài Loan.

Ngày 3.8 trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu quận Tochigi ngừng bán thịt bò ra thị trường sau khi phát hiện thịt bò tại đây bị nhiễm phóng xạ cesium vượt mức cho phép. Đây là quận thứ tư - sau các quận Fukushima, Miyagi và Iwate - bị đình chỉ buôn bán thịt bò vì lý do nhiễm phóng xạ.

Ngày 4.8, Cty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết, phóng xạ vẫn tiếp tục rò rỉ từ Nhà máy Fukushima và mức phóng xạ đo được bên trong nhà máy này hôm 3.8 đạt mức cao nhất kể từ khi thảm hoạ động đất - sóng thần xảy ra hồi tháng 3.2011.

Ngày 4.8, Chính phủ Nhật Bản sa thải 3 quan chức cao cấp phụ trách chính sách điện hạt nhân nước này vì lý do quản lý kém Nhà máy điện Fukushima cũng như cuộc khủng hoảng hạt nhân liên quan tới nhà máy này.

Các quan chức đó là Giám đốc Cơ quan An toàn hạt nhân Nobuaki Terasaka, Giám đốc Cơ quan Năng lượng và tài nguyên thiên nhiên Tetsuhiro Hosono và Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Kazuo Matsunaga. Bộ trưởng Kaieda - người đóng vai trò chính trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Fukushima - cũng khẳng định sẽ từ chức để nhận trách nhiệm vụ việc. Tuy nhiên, ông này chưa tiết lộ thời điểm ra đi.