Nhiều căn cứ xác định Việt Á hưởng lợi trái phép hơn 1.200 tỷ đồng
Trong vụ án Công ty Việt Á, mặc dù quá trình hiệp thương giá kit test Covid-19 còn thiếu bảng chi tiết yếu tố hình thành giá, nhưng Bộ Y tế vẫn hiệp thương giá với Công ty Việt Á là 470.000 đồng/kit. Trong khi đó, theo xác định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), giá thực tế chỉ hơn 143.000/kit. Vậy, chi phí để sản xuất mỗi kit test Covid-19 bao nhiêu?
Đẩy giá bằng chi phí bất hợp lý
Ngày 17-2-2022, C03 ra quyết định tổ chức thực nghiệm điều tra việc sản xuất kit test Covid-19 của Công ty Việt Á (Việt Á). Sau đó, C03 đã kiểm tra máy móc, thiết bị, mặt bằng sản xuất, nhân công và tổ chức thực nghiệm tại phòng sản xuất kit test Covid-19 tại tỉnh Bình Dương. Buổi thực nghiệm có sự hiện diện của luật sư bào chữa cho Phan Quốc Việt và đại diện các bên liên quan. Quá trình thực nghiệm điều tra có 13 nhân viên của Việt Á, phương tiện máy móc để sản xuất 1 lô gồm 2.500 kit test Covid-19 theo quy trình đầy đủ của Việt Á trong điều kiện bình thường. Kết quả, sản xuất được 2.432 kit test Covid-19 sau 2 giờ 5 phút.
Tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, dư luận quan tâm chất lượng kit test Covid-19 của Việt Á có đảm bảo? Để giải đáp câu hỏi này, C03 đã trưng cầu giám định thời điểm cuối tháng 3-2022 về các thành phần hóa học, cấu trúc, trình tự các mồi, mẫu dò, tính năng, công dụng, hiệu quả… Theo đó, hội đồng giám định tư pháp có kết luận hiệu quả của kit test Covid-19, đảm bảo 4 tiêu chí: giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác và phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế.
Cũng theo C03, trong các năm 2020 và 2021, Việt Á đã sản xuất hơn 8,7 triệu kit test Covid-19. Căn cứ lời khai của những người liên quan, trong đó có Phan Quốc Việt, công ty chỉ sử dụng 11 loại hóa chất mua của 4 doanh nghiệp, trong đó có 8 loại hóa chất nhập khẩu. Trong các năm 2020 và 2021, Việt Á chi hơn 386 tỷ đồng để mua 11 loại hóa chất này – số hóa chất tồn kho trị giá hơn 21,6 tỷ đồng. C03 xác định, chi phí nguyên liệu trực tiếp (11 loại hóa chất) để sản xuất 1 kit test là hơn 41.000 đồng. Trên cơ sở xác định lợi nhuận định mức, các chi phí khi hiệp thương, xác định giá thương mại mỗi kit test Covid-19 là hơn 143.000 đồng.
Đến nay, kết quả điều tra xác định, trong tổng số hơn 8,7 triệu kit test Covid-19, Việt Á đã tiêu thụ, cho, tặng, ứng trước cho các đơn vị, cơ sở y tế hơn 8,3 triệu kit test Covid-19, với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng (tính theo giá 470.000 đồng/kit), trong đó, đã được thanh toán hơn 2.200 tỷ đồng.
Gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước
Liên quan đến việc Việt Á bán kit test Covid-19 cho các đơn vị, cơ sở y tế công lập, sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán cho Việt Á, C03 đã điều tra làm rõ. Trong đó, C03 đã khởi tố, điều tra về việc Phan Quốc Việt và đồng phạm “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” trong quá trình Việt Á tiêu thụ hơn 679.000 kit test xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 222 tỷ đồng.
Theo thông tin từ C03, tới nay, PC03 của 15 tỉnh thành đã khởi tố 15 vụ án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với tổng số hơn 597.000 kit test, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 180 tỷ đồng. Như vậy, Phan Quốc Việt và đồng phạm tiêu thụ hơn 1,2 triệu kit test tại các đơn vị, cơ sở y tế công lập trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại hơn 400 tỷ đồng.
Tính tới nay, C03 đã xác định thiệt hại của vụ án xảy ra tại Việt Á dựa trên các yếu tố: hợp đồng thực hiện đề tài khoa học, kinh phí thực hiện đề tài 18,9 tỷ đồng do Bộ KH-CN chuyển cho Học viện Quân y; tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện đề tài do Học viện Quân y có trách nhiệm quản lý, sử dụng cho đến khi Bộ trưởng Bộ KH-CN có quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện đề tài; lợi nhuận định mức mà Việt Á được hưởng khi được giao quyền sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa kit test (5%); giá thành sản xuất kit test của công ty khi được giao quyền sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19 là hơn 143.000 đồng… Tổng hợp các yếu tố, C03 xác định số tiền hưởng lợi trái phép của Việt Á là hơn 1.200 tỷ đồng.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.