Nhiều dịch bệnh bùng phát do bỏ sót đối tượng tiêm chủng

Theo Bộ Y tế, do bỏ sót đối tượng trong các đợt tiêm chủng, tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn xuất hiện rải rác ổ dịch nhỏ bệnh bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản.

Tiêm chủng là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: tiemchungmorong.vn

Trước tình hình trên, để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý đối tượng tiêm chủng và tăng cường phòng, chống bệnh trong tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã có vaccine trong Chương trình TCMR có nguy cơ bùng phát trở lại, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tổ chức rà soát đối tượng thuộc diện TCMR trên địa bàn, nắm rõ tiền sử tiêm chủng để thông báo cho đối tượng tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều đối với các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine trong TCMR, tránh bỏ sót đối tượng.

Đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng, bảo đảm đạt tỉ lệ trên 90% ở quy mô xã, phường cần thực hiện tiêm bổ sung ngay trong tháng với các loại vaccine cơ bản.

Các tỉnh thực hiện giám sát chủ động, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh không để bùng phát ổ dịch, đặc biệt chú trọng các bệnh có vaccine trong TCMR có nguy cơ bùng phát trở lại như bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản; tăng cường truyền thông vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đúng lịch, đủ liều.

Bộ Y tế cũng lưu ý các tỉnh, hằng năm, lập kế hoạch cụ thể về tiêm chủng, bảo đảm đủ kinh phí cho công tác tiêm chủng, đặc biệt là kinh phí hỗ trợ cho cán bộ tiêm chủng, kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền lạnh, bảo quản, vận chuyển vaccine và kinh phí truyền thông trong tiêm chủng.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh, tập trung các khu vực có nguy cơ cao, các địa bàn có tỉ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.

Bình Phước: Sốt xuất huyết tăng gấp 5 lần

Đang vào cao điểm mùa mưa, thời tiết nóng ẩm là điều kiện khiến các ổ muỗi phát triển. Đây là tác nhân quan trọng làm bùng phát 68/70 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) trong toàn tỉnh Bình Phước.

Báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng Bình Phước, đến ngày 14/8, toàn tỉnh có 2.122 ca mắc SXH, tăng gần gấp 5 so với cùng kỳ năm 2015.

Còn theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, mặc dù số bệnh nhân điều trị tại Khoa Nhiệt đới của bệnh viện tăng nhanh, nhưng đây chỉ là con số không đầy đủ. Đa số những ca mắc SXH đều chọn phương pháp điều trị tại các phòng mạch tư ở địa phương. Khi được truyền dịch quá nhiều, toàn thân vẫn sốt cao và đau nhức, bệnh nhân mới vào bệnh viện khiến cho quá trình điều trị khó và lâu hơn.

Đa phần các bệnh nhân đến trong tình trạng sốt nặng. Nhiều bệnh nhân tràn dịch màng phổi, nhưng may mắn chưa có trường hợp nào dẫn đến tử vong.

Điều trị bệnh SXH khó hơn so với điều trị bệnh sốt rét hay sốt virus. SXH có những biểu hiện bất thường, ngay cả các bác sĩ chuyên khoa giỏi cũng khó tiên liệu bệnh. Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh lý ban đầu, người dân cần đến cơ sở y tế để kịp thời điều trị.

Vệ sinh môi trường, thường xuyên thau dọn các dụng cụ chứa nước… để diệt loăng quăng, bọ gậy, từ đó phòng, tránh bệnh SXH

Đắk Lắk phát hiện gần 120 ổ dịch SXH

Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk cho biết, bệnh SXH vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên từng ngày.

Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có gần 6.000 trường hợp mắc bệnh SXH; 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có người mắc căn bệnh này.

Toàn tỉnh phát hiện 117 ổ dịch SXH, trong đó có 18 ổ dịch lớn, có nguy cơ lây lan nhanh tại xã Dlê Yang, xã Ea Wy, thị trấn Ea D’răng (huyện Ea H’leo), các xã Tân Hòa, Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), các xã Ea Tuh, Hòa Thuận (thành phố Buôn Ma Thuột).

Nguyên nhân chính khiến bệnh SXH tiếp tục lan rộng trên địa bàn là do Đắk Lắk đang bước vào những tháng cao điểm của mùa mưa. Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan, lơ là, chưa tích cực triển khai các biện pháp diệt loăng quăng, vệ sinh nơi ở; một số nơi chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đến công tác phòng chống SXH.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã chủ động khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi tại tất cả các ổ dịch. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã cấp thêm cho Đắk Lắk 5.000 lít hóa chất, trang thiết bị.

Tỉnh cũng thành lập 3.000 đội xung kích, phối hợp với cán bộ y tế các địa phương tuyên truyền cho người dân triển khai các biện pháp phòng, chống SXH tại các thôn, buôn.

Nguồn Chính phủ