Sởi bắt đầu “tấn công”
Một trong những dịch bệnh đến sớm và đang gia tăng nhanh số người mắc là bệnh sởi. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 229 trường hợp mắc sởi, nhưng đáng lo ngại khi trong 2 tháng qua, số ca mắc sởi tại khu vực phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, có chiều hướng tăng mạnh, trung bình mỗi tuần có 4 – 5 ca. Hơn nữa, bên cạnh số trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn còn 2% – 3% chưa được tiêm vaccine sởi nên chưa có kháng thể bảo vệ.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết vụ dịch sởi ở Hà Nội có số người mắc nhiều nhất là vào năm 2014, với trên 1.740 trường hợp mắc, trong đó có đến 14 ca tử vong. Đến năm 2015 và 2016 thì dịch bệnh này được kiểm soát hoàn toàn, chỉ có 42 trường hợp bị mắc và không có tử vong. Thế nhưng, từ đầu năm 2017 đến nay, số người mắc sởi ở Hà Nội là hơn 168 trường hợp và tăng nhanh trong vài tuần trở lại đây. Đặc biệt, đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sởi là một bệnh nhi 8 tháng tuổi, ở huyện Đan Phượng. Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội luôn đạt trên 95%, nhưng thống kê trong 5 năm trở lại đây, số trẻ trên địa bàn Hà Nội chưa được tiêm vaccine sởi là trên 32.630 cháu, nên nguy cơ mắc sởi sẽ rất cao.
Trong khi đó, ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho thấy, hiện nay Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã phải lập riêng một đơn nguyên để tiếp nhận điều trị trẻ bị sởi. Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho biết nếu vào dịp đầu năm, mỗi tháng BV chỉ tiếp nhận 2 – 3 trẻ mắc sởi đến điều trị nội thì 3 tháng gần đây, con số này tăng lên khoảng 20 – 25 cháu/tháng. Hầu hết trẻ nhập viện do sởi đều dưới 1 tuổi, trong tình trạng sốt cao, phát ban và có thể kết hợp nhiễm trùng bội nhiễm. Đáng lưu ý, bệnh sởi dù không phải bệnh nặng nhưng lại có biến chứng rất nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong.
Trước nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát trở lại và lan rộng thành dịch lớn, chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Hà Nội và các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp cần huy động mọi biện pháp để nâng tỷ lệ tiêm phòng vaccine, hạn chế các “vùng lõm” tiêm chủng. “Để không tái diễn bài học đau lòng về vụ dịch sởi xảy ra năm 2014 vừa qua, ngành y tế cần phối hợp cùng ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại trường học, rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh để bảo đảm cho trẻ được tiêm phòng vaccine sởi đầy đủ”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Không chủ quan
Cùng với bệnh sởi đang nhăm nhe bùng phát thì mùa Đông Xuân cũng là thời điểm làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác với diễn biến khó lường. PGS-TS Trần Đắc Phu cảnh báo, từ nay tới cuối năm, chúng ta không thể chủ quan trước các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm, ho gà, viêm não virus, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, tay chân miệng, liên cầu lợn…
Cục Y tế dự phòng đề nghị các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh; giám sát và phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng và kéo dài. Bên cạnh đó, rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, cũng như tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine đạt ít nhất 95% theo quy mô xã/phường, đặc biệt đối với các bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu và viêm não.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, Việt Nam đã thực hiện kiểm soát và khống chế khá tốt những bệnh truyền nhiễm trong thời gian qua. Nhưng mùa Đông Xuân đến là thời điểm của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, cần phải tiếp tục nâng cao cảnh giác. Cùng với đó, nguy cơ các bệnh dịch xảy ra sau bão lũ, ngập lụt luôn tiềm ẩn.
Các dịch bệnh ở các nước khác, nhất là dịch cúm A(H7N9), rất dễ xâm nhập vào nước ta nếu không quyết liệt phòng chống. Cần hết sức lưu ý đối với các bệnh có vaccine tiêm chủng. Chỉ vì lơ là, không tiêm chủng đầy đủ có thể dẫn đến tình trạng nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sởi, ho gà, cúm, viêm não bùng phát.
Cục Y tế dự phòng vừa có cảnh báo về việc phát hiện virus cúm A(H7N9) độc lực cao có thể lây truyền và làm chết động vật. Theo đó, tại Trung Quốc đã ghi nhận 1.622 người mắc cúm A(H7N9), trong đó có 619 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong/số mắc là 38,2%). Tính đến cuối tháng 10, tại Trung Quốc đã phát hiện 54 mẫu bệnh phẩm cúm A(H7N9) độc lực cao ở môi trường hoặc gia cầm và 25 mẫu bệnh phẩm trên người. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học y khoa (Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản) vừa công bố cho thấy, chủng virus cúm A(H7N9) có thể lây truyền từ động vật sang người và gây chết một số loài động vật như chồn và một số loài linh trưởng.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.