Nhiều “ông lớn” giải trí số nhảy vào Việt Nam
Sự xuất hiện của các “ông lớn” ngành giải trí của thế giới tại thị trường số Việt Nam có đem lại hy vọng về sự phát triển của showbiz Việt trong tương lai gần?
Spotify – dịch vụ kinh doanh nhạc số (hay còn gọi là stream nhạc trực tuyến) lớn nhất thế giới chính thức có mặt tại Việt Nam vào ngày 13-3. Spotify cho biết họ có hơn 100 triệu người dùng đăng ký, trong đó hơn 50 triệu thuê bao trả phí. Trong khi ứng dụng này đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, riêng châu Á vẫn là nơi họ tỏ ra khá mờ nhạt. Một trong những thị trường tiềm năng nhất của Spotify là Ấn Độ nhưng không dễ thâm nhập. Vì vậy Spotify chuyển hướng sang Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trước khi tiến vào thị trường tỉ dân này.
Cơ hội cho nghệ sĩ Việt?
Không quảng bá rầm rộ, thậm chí Spotify từ chối tiết lộ thông tin về hành trình thâm nhập V-pop của mình với truyền thông. Spotify chỉ đưa ra lời xác nhận sẽ tấn công vào V-pop trên website chính thức của công ty khi chỉ còn cách ngày ra mắt công chúng Việt một khoảng thời gian rất ngắn. Ngày 13-3, Spotify phiên bản Việt chính thức đi vào hoạt động.
Album vol. 9 của Mỹ Tâm vào bảng xếp hạng âm nhạc Billboard
Như vậy, tính đến thời điểm này, thị trường kinh doanh nhạc số tại Việt Nam ngoài Nhaccuatui và Zing – những nền tảng âm nhạc quốc nội được sử dụng nhiều nhất trong những năm gần đây, có thêm Apple Music – dịch vụ âm nhạc của Apple, xuất hiện từ năm 2015 và mới nhất là Spotify.
Spotify đã được công chúng Việt Nam biết đến và sử dụng lâu nay. Spotify cho phép người dùng nghe bất cứ bài hát nào trong kho nhạc hơn 30 triệu bài hát của mình. Ngoài ra, nó còn là mạng xã hội âm nhạc, cho phép người dùng chia sẻ ứng dụng, các playlist và theo dõi hoạt động của những người bạn thuộc nhóm. Từ lâu nay, nhiều người dùng trong nước chuyền tay nhau cách dùng Spotify ở Việt Nam như sử dụng fake IP, dùng VPN hay cài TunnelBear để chuyển địa chỉ IP sang nước khác. Đại khái là xài “chùa” bằng cách luồn lách.
Giống như sự gia nhập của Spotify vào V-pop, Billboard đến Việt Nam cũng “lặng lẽ” không kém. Mọi người chỉ biết thông tin này khi Billboard bảo trợ thông tin cho một sự kiện văn hóa cuối năm. Ông Myke Brown, người đưa Billboard về Việt Nam, khẳng định: “Chúng tôi rất vui mừng khi có thể chia sẻ việc Billboard sắp tới Việt Nam. Đây là sự kết nối với thế giới và mở ra nhiều cơ hội cho nghệ sĩ Việt”.
Trước đó, sự kiện album “Tâm 9” xuất hiện trên bảng xếp hạng âm nhạc Billboard ở vị trí thứ 10 trong hạng mục World Album của tháng 1-2018 gây cơn sốt dư luận trong nước. Với việc “Tâm 9” lọt tốp 10 album của một hạng mục thuộc Billboard, Mỹ Tâm cũng chính thức trở thành ca sĩ Việt Nam đầu tiên góp mặt vào bảng xếp hạng âm nhạc uy tín mang tính toàn cầu.
Album “Tâm 9” của Mỹ Tâm gây sốt với hàng loạt kỷ lục như giữ vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng những album bán chạy nhất của iTunes với lượt nghe, tải cao ngất ngưởng chỉ sau vài ngày ra mắt, giữ vị trí thứ 8 những album được tải về nhiều nhất trên Amazon. Mỹ Tâm nói về sự kiện này đầy xúc động: “Lần đầu tiên trong lịch sử, âm nhạc Việt Nam có mặt trên bảng xếp hạng Billboard toàn cầu! Đó là điều không thể tin nổi! Mình đã làm được rồi! Thật sự tuyệt vời!”.
V-pop chưa chắc vào “guồng” chuyên nghiệp
Với con số 60 triệu người dùng trả phí vào tháng trước, Spotify đang là dịch vụ stream nhạc có số lượng người dùng áp đảo các đối thủ cạnh tranh khác. Với các fan của nhạc Việt, Spotify có vẻ đã mang đến kho nhạc chất lượng hơn hẳn. Gần như toàn bộ bài hát Việt có mặt trên Spotify đều là nhạc có bản quyền và có chất lượng khá tốt. Tất nhiên, thi thoảng cũng bắt gặp một số bản ghi “khả nghi”, ví dụ có tên nghệ sĩ là “80s Forever” nhưng khó để chứng minh bản ghi “xịn” hay “giả” trên dịch vụ stream vì điều đó gần như bất khả thi như thừa nhận của người trong giới. Vậy nên, người dùng sẽ phải luôn chấp nhận một lượng nhạc “đểu” nhất định trên mỗi dịch vụ.
Nhưng chỉ mới đây, ngày 29-12-2017, việc Spotify phải đối mặt vụ kiện 1,6 tỉ USD từ nhà sản xuất âm nhạc Wixen Music (đại diện cho các nghệ sĩ như Tom Petty, Missy Elliot, Stevie Nicks và Neil Young) cáo buộc Spotify vi phạm bản quyền do đang sử dụng hàng ngàn bài hát không có giấy phép thích hợp, khiến công chúng phải nhìn lại. Theo thông tin từ vụ kiện, Spotify đã kiếm được 1 tỉ USD từ việc kinh doanh nhạc “ăn trên lưng” các nhà soạn nhạc và xuất bản âm nhạc mà Sopify sử dụng.
“Trong khi Spotify đã trở thành một công ty trị giá nhiều tỉ USD thì các nhà soạn nhạc và xuất bản nhạc của họ như Wixen đã không được trả công một cách công bằng và hợp pháp trong thành công của Spotify. Nhiều trường hợp Spotify đã sử dụng nhạc của họ mà không có giấy phép cũng như không thực hiện bồi thường cho hành động đó” – tuyên bố của vụ kiện. Đây chính là điều khiến giới sáng tác Việt lo ngại.
Việc Spotify và Billboard chính thức vào Việt Nam chính là cơ hội để V-pop quảng bá với thế giới. Nhưng mọi công ty, dù đến từ đâu hay tầm cỡ nào cũng chỉ có mục tiêu chung là “lợi nhuận”. Khi vấn đề thu tiền từ công chúng không dễ dàng thì đơn vị kinh doanh sẽ phải tính đến những phương án khác có lợi nhất cho họ để duy trì hoạt động của công ty. Điều đó lý giải vì sao khi YouTube vào Việt Nam, nghệ sĩ cực kỳ hào hứng nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, giới nghệ sĩ lắc đầu ngao ngán vì “không ngon ăn” như họ vẫn tưởng.
Do vậy, các ông lớn của ngành công nghiệp âm nhạc thế giới có đến Việt Nam chưa chắc hoạt động của V-pop có thể vào “guồng” chuyên nghiệp tốt hơn những gì đang có.
Netflix cũng đến Việt Nam
Netflix là một trong những dịch vụ truyền hình internet theo yêu cầu có lượng người dùng lớn nhất thế giới. Công ty này có khoảng 70 triệu thuê bao và một nửa số này đến từ Mỹ. Sau gần một năm tiếp cận thị trường Việt Nam, Netflix không gặt hái thành công như mong đợi bởi đa số các bộ phim truyện và chương trình truyền hình trên Netflix chủ yếu là những bộ phim thông dụng và “bom tấn”, phù hợp với đại đa số quốc gia sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Nhiều chương trình còn xa lạ với người Việt. Thuê bao ở Việt Nam chưa cung cấp được phụ đề tiếng Việt. Nhưng cái chính là cho đến khi vấn đề bản quyền được thực hiện một cách nghiêm khắc thì Netflix mới làm ăn được.
Trong khi đó hiện nay, các website phục vụ điện ảnh miễn phí tràn lan. Mức phí trung bình phải đóng để được xem phim mạng (nếu có) cũng chỉ ở mức 40.000-50.000 đồng/tháng, còn Netflix tính phí 180.000 đồng/tháng (để có chất lượng cao).
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.