Nhiều sông suối, hồ đập tại Đắk Lắk đã cạn khô

Diện tích cây trồng bị hạn hán ở tỉnh này đã tăng vọt lên tới 25 nghìn ha, ước tính thiệt hại hơn 760 tỷ đồng.

Diện tích cây trồng bị hạn hán ở tỉnh này đã tăng vọt lên tới 25.000ha, ước tính thiệt hại hơn 760 tỷ đồng. Dự báo nắng hạn sẽ còn kéo dài, cả chính quyền và người dân Đắk Lắk đang dồn sức chống hạn cứu cây trồng.

Lúa cho bò ăn

Nứt nẻ dưới cái nắng chói chang, cánh đồng Hợp 3, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, chỉ còn sót lại những mảng xanh loang lổ dưới kênh dẫn nước của đập Buôn Thu. Đập khô kiệt nước, phần lớn diện tích lúa, bắp đã chết khô, vài đám lúa còn sót lại cũng đành phó mặc cho thời tiết.

Bà Hà Thị Tuyết, ở thôn Bình Minh, thị trấn Krông Năng, cho biết: “Bên đây trồng bắp tốt lắm rồi mà giờ khô hạn nó chết hết. Còn lúa này thì cứ để thế chờ trời mưa may ra còn cứu được, chứ tuần nữa mà không có mưa thì cũng cho bò ăn thôi”.

Đáy sông Krông Năng cũng khô khốc

Xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, có 25 hồ đập thủy lợi, thì 5 hồ đã khô đáy. Những hồ còn lại thì không đủ nước để cứu lúa. Sông Krông Năng, giờ trở thành dòng sông đá. Nước mặt không còn, nước ngầm cũng sụt giảm, hàng ngàn ha cà phê trong vùng cũng đang héo rũ.

Anh Trần Đăng Hùng, ở thôn Xuân Lộc, xã Phú Xuân, cho biết:  “Chi phí tưới cho 8 sào này hết khoảng 6 triệu đồng một đợt. Mình đầu tư tưới được 2 đợt rồi, mà đợt 3 không có nước nữa đành phải bỏ thôi, cà không có trái cũng phải chịu thôi. Giếng ở đây đào rồi khoan mà không có nước. Giờ chỉ biết chờ trời!”.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, tính đến hôm nay, 25.000ha cây trồng ở địa phương này đang bị hạn hán, trong đó diện tích lúa nước bị mất trắng là gần 800 ha. Gần 20.000 ha cà phê (chiếm 10% diện tích cà phê của tỉnh) sẽ giảm năng suất nghiêm trọng do thiếu nước. Những huyện bị hạn nặng nề nhất là Krông Năng, Ea Kar, Krông Ana, Ea Hleo, và Krông Buk. Khoảng 3000 hộ dân ở các địa phương này còn phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt.

Hồ khô đáy

Hiện nay, mực nước các sông suối hồ đập ở Đắk Lắk đang giảm nhanh xuống dưới mực nước chết. Nhiều dòng sông đã khô kiệt, như: sông Krông Năng, suối Krông Păk, suối Ea Tul, suối Ea Hleo.

Ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, cho biết, thời điểm này 80 hồ đập thủy lợi trong tỉnh đã cạn khô. Đơn vị đang tích cực áp dụng mọi giải pháp bơm chuyển nước từ những công trình thủy lợi lớn để giúp người dân cứu lúa và cà phê.

“Chúng tôi đã phải mua ngay máy bơm chuẩn bị trước, rồi cho sửa chữa toàn bộ hệ thống máy bơm cũ, triển khai cho anh em trực sẵn tại các địa bàn, tích cực chuyển nước; nhất là vùng Krông Buk, Krông Pách. Các trạm bơm khô hết, phải đưa vòi bơm ra giữa lòng sông, chặn sông lại lấy nước, rồi chuyển nước từ Krông Buk Hạ đến những vùng khô hạn, kể cả vùng Buôn Hồ cũng vậy, nói chung là cứ chỗ nào có nguồn thì sẽ chuyển nước cho dân cứu lúa; còn những chỗ nào không có nguồn nước thì phải huy động bà con tự đào giếng hoặc bơm nước từ ao lên”, ông Dậu cho biết.


Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Đắk Lắk, nắng nóng còn kéo dài trong 1 tháng tới, và hạn hán sẽ tiếp tục khốc liệt hơn. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các huyện chủ động ứng kinh phí dự phòng, huy động tối đa các nguồn lực với phương châm 4 tại chỗ để phục vụ chống hạn.

Bên cạnh các biện pháp bơm trung chuyển nước, hỗ trợ dầu, đảm bảo nguồn điện cho người dân bơm tưới, các ngành các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng nước hợp lý; chủ động nắm sát tình hình để kịp thời hỗ trợ lương thực không để người dân bị thiếu đói./.

Minh Huệ/VOV- Tây Nguyên