Những cái Tết độc đáo trên thế giới
Bên cạnh Tết cổ truyền dân tộc, nhiều quốc gia trên thế giới còn có những cái Tết đặc biệt khác, thể hiện quan niệm dân tộc và bản sắc văn hóa riêng. Nhân dịp Xuân Tân Mão 2011, xin giới thiệu đến bạn đọc những phong tục độc đáo này.
Tết người cao tuổi
Người cao tuổi có thể gặp gỡ, giao lưu và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí nhân dịp Tết người cao tuổi (Ảnh minh họa: Nguồn Internet) |
Trên khắp thế giới, người cao tuổi luôn được tôn trọng, và ở một số nước, có những lễ Tết dành riêng cho họ. Tại Nhật Bản, ngày 15-9 hàng năm là Tết kính lão. Trong ngày ấy, những người cao tuổi ăn mặc trang trọng, nhận lời chúc mừng của con cháu và bạn bè, đồng thời tham gia các hoạt động kính lão được tổ chức ở mọi nơi. Những cụ trên 75 tuổi được đi xe công cộng miễn phí. Vào Tết kính lão, tại Tokyo còn cử hành “Đại hội đi bộ vì sức khỏe, chúc phúc người già toàn quốc”, người cao tuổi từ khắp nơi đổ về, chia thành hai đoàn, đi vòng quanh hoàng cung hai lần.
Ở Hàn Quốc, từ năm 1973, Tết bà mẹ vào ngày 8-5 hàng năm được sửa thành Tết kính lão với những ưu tiên đặc biệt dành cho người 70 tuổi trở lên, như: trao giấy chứng nhận, ưu đãi đi xe, tắm gội, cắt tóc đều giảm nửa giá…
Còn tại Hồng Kông, cứ tháng 12 hàng năm thì tổ chức Tết Vũ đạo người cao tuổi, mục đích để họ có dịp vui chung, đồng thời nâng cao nghệ thuật vũ đạo. Các cụ lên sân khấu biểu diễn có tuổi trung bình từ 70 trở lên; đa số họ là thành viên của những trung tâm trợ giúp người già, nhà dưỡng lão, hội phúc lợi phụ nữ.
Ở Hy Lạp, vào mùa thu, tại đảo Christ có Tết người già. Nơi đây, ngoài biểu diễn các tiết mục văn nghệ chúc sức khỏe, còn tổ chức “Cuộc thi chạy của người cao tuổi” với những “vận động viên” có độ tuổi 70 - 100. Họ chạy thi trong sự cổ vũ nồng nhiệt của lớp con cháu.
Ở Mỹ, nhằm khuyến khích phong trào toàn xã hội tôn trọng người cao tuổi, từ năm 1978, ngày chủ nhật đầu tiên sau Tết Lao động của Mỹ (tháng 9 hàng năm) được chính thức lấy làm ngày Tết ông bà theo đúng tinh thần một đề án do Tổng thống Jimmy Carter ký duyệt.
Tết nông nghiệp
Tết nông nghiệp thường được tổ chức vào dịp nông dân thu hoạch ngũ cốc, hoa màu (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Tết nông nghiệp ở Columbia được tổ chức rất phong phú, diễn ra trong tháng 8, 9 - thời điểm nông dân thu hoạch ngũ cốc, hoa màu. Họ vừa ca hát, nhảy múa, vừa thi các sản phẩm nông nghiệp.
Nông sản nào cũng có tên. Họ lấy những tên “Gạo thần”, “Tiểu mạch thần”, “Cà phê vương”… khoác cho các nông phẩm. Ngoài ra, nhân dân còn có các thủ tục hoá thân thành những củ khoai, bắp ngô… khổng lồ đi lại trên đường thành từng đoàn.
Ở Sirilanka, vào trung tuần tháng 4 dương lịch, khi mùa màng đã hoàn tất, thời tiết ấm áp, tộc người Sinhalese tổ chức Tết để chào mừng được mùa. Cư dân dùng số thóc gạo mới thu hoạch để nấu thành món ăn cho cả nhà liên hoan. Sau đó, tham gia các trò chơi, nhất là đua voi và hội đánh trống. Làng nào cũng có chiếc trống lớn, thường là phụ nữ tham gia.
Tết hoa quả
Không ít quốc gia tổ chức Tết cho loại hoa quả tiêu biểu của mình. Tại Hungari, Tết nho được cử hành vào mùa thu hoạch. Dịp này, người ta dùng rất nhiều hoa tươi, đèn màu trang trí khắp đường phố. Ở cửa nhà thường có treo tấm biển đề “Thần Rượu”, ý chỉ một mùa nho bội thu dâng lên Thần. Thanh niên ăn mặc đẹp, cưỡi trên những con ngựa và những cỗ xe trang hoàng lộng lẫy, đi dạo trên mọi con đường xuyên qua các cánh đồng nho; sau đó họ tụ tập lại những khoảng trống ngoài đồng và cùng nhau múa điệu “Thu hoạch nho” theo đúng truyền thống địa phương.
Còn ở Nhật Bản, anh đào được coi là quốc hoa và năm nào nhà nước cũng dành 1 tháng (từ 15-3 đến 15-4) cho Tết Anh đào. Do sự khác nhau về khí hậu giữa các vùng địa lý Nhật, hoa anh đào nở từ tháng 3 đến tận tháng 7, từ miền Nam dần lên miền Bắc. Cứ đầu tháng 4 tháng năm, Chính phủ Nhật cử hành lễ hội thưởng thức anh đào do đích thân Nhật hoàng hoặc Thủ tướng chủ trì, có mời các quan chức, những nhân vật tên tuổi trong nước và các vị khách quốc tế tham dự. Khắp nơi, người ta tụ tập dưới gốc cây ngắm hoa, uống rượu và hò hát, nhảy múa tưng bừng suốt ngày đêm.
Nước có nhiều tết hoa quả nhất là Cô-lôm-bi-a. Nơi đây, hầu hết các loại hoa quả đều có một ngày tết riêng, như: Tết gạo thần, Tết phù dung, Tết cà phê chúa… Vào ngày Tết loại hoa quả nào, người ta thường tổ chức vui chơi, ăn uống, ca hát, tán dương loại hoa quả đó rồi đem chúng ra thi với nhau, chọn lấy sản phẩm tốt đẹp, đặc biệt nhất để phong “Vua”. Họ còn hóa trang thành hoa quả, củ khoai, bắp ngô… khổng lồ, hợp thành đoàn diễu qua các phố, trông rất ngộ nghĩnh.
Tết động vật
Sự quý mến hoặc sùng bái động vật tiêu biểu ở nhiều quốc gia cũng góp phần hình thành nên những cái tết đặc biệt. Tại tỉnh Fukhamburi (Thái Lan), ngày 10-12 hàng năm là Tết voi. Hôm đó, khắp nơi trong nước người ta tuyển chọn những chú voi kiện tướng, đưa về đây dự đại hội thể thao của voi, thi các môn như kéo co, cử tạ, chạy vượt chướng ngại, bóng đá, nhặt đồ vật…
Tết Cừu tại Australia thường được tổ chức vào ngày 14/8 hàng năm (Ảnh minh họa: Nguồn Internet) |
Ở Ấn Độ, rắn được coi là con vật linh thiêng, có thể ban tuổi thọ cho người già, ban con cái cho các bà mẹ. Dân Ấn Độ sống rất gần gũi rắn và dành riêng cho rắn một ngày Tết vào tháng 8 hàng năm.
Còn ở Biển Đỏ (Sudan), ngày cuối cùng của tháng 4 lại là ngày Tết của… lừa! Hôm ấy các địa phương trong vùng đều dán la liệt ảnh lừa. Lừa được trang điểm đẹp đẽ, cùng chủ nhân đi dạo chơi hoặc tham gia hoạt động bán đấu giá tại những thành phố và thị trấn lân cận.
Là nước sản xuất nhiều lông cừu nên ở Australia, cuộc sống người dân cũng gắn bó với loài vật này. Họ tổ chức ngày Tết cừu vào 14-8 hàng năm. Từ sáng sớm, nhân dân khắp các bang đốt pháo, nói những lời chúc mừng với đàn cừu, rồi lùa chúng ra đồng cỏ.
Là thị trường lợn lớn của châu Âu, một thành phố ở miền Nam nước Pháp lấy ngày 21-7 hàng năm làm ngày Tết lợn. Những người giỏi bắt chước lợn trong toàn quốc đều đổ về đây biểu diễn các động tác, thói quen… của lợn. Ai diễn giỏi nhất sẽ được thưởng một chú lợn quay; đồng thời 5.000 người xem phải ăn hết một dây lạp xường dài 2.000m, 3.000 suất thịt lợn thái khá dày và 500 kg jambon!
Còn tại miền Bắc Canada, xe trượt tuyết do chó kéo là phương tiện giao thông chủ yếu nên người dân nơi đây tỏ lòng quý mến chó bằng việc dành riêng cho chúng một ngày Tết vào chủ nhật tuần đầu tháng 2 hàng năm. Hôm ấy chó được nghỉ, tắm rửa sạch sẽ, trang điểm rực rỡ và ăn những món ngon.
Quy mô lớn và sôi động nhất phải kể đến Tết kính bò ở Nepal. Nhân dân nước này rất tôn trọng bò (đặc biệt những con bò vàng - vốn được coi là bò thần). Pháp luật và tập quán dành cho bò nhiều ưu đãi hơn hẳn các vật nuôi khác. Hàng năm, Tết kính bò được tổ chức từ mồng 1 đến mồng 8 tháng 5 (theo lịch Nepal). Ngày vui vẻ nhất của dịp Tết, người ta vẽ hình bò lên mặt, đầu đội sừng bện bằng rơm hay tre để hóa trang thành bò. Họ hợp thành từng đoàn “bò người”, vừa đi vừa ca hát, nhảy múa diễu qua khắp đường phố. Ai có nhạc cụ gì cũng phải tấu lên, tạo ra một bản nhạc cực kỳ hỗn loạn nhưng vui vẻ khác thường.
Tết đèn
Nhiều loại đèn với đa dạng hình dáng và kích thước sẽ được trưng bày và sử dụng tại những ngày Tết đèn (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Ánh sáng là yếu tố gắn bó mật thiết với cuộc sống con người, biểu tượng cho những sự tích cực (sức sống, điều tốt lành, tính công minh…) nên một số dân tộc đã tôn vinh nó bằng việc tổ chức Tết đèn. Tại Myanmar, Tết đèn được long trọng cử hành trong 3 ngày (từ 14 đến 16 tháng 7, theo lịch nước này). Dịp Tết, buổi tối, trước cửa các nhà đều được trang trí bằng đủ loại đèn với những hình dáng, kích thước và màu sắc phong phú. Nhân dân kéo nhau đi xem đèn, rước đèn, tham gia các tiết mục văn nghệ và thi dệt áo cà sa dưới ánh sáng lung linh.
Ở Israel, Tết đèn còn là nghi thức quan trọng không thể thiếu của Tết năm mới (Hanukkan). Đêm giao thừa (đêm ngày 25 tháng Kislev theo lịch Do Thái), cả gia đình thắp chung một ngọn nến trên chiếc đèn Menorah. Bảy đêm tiếp theo, mỗi đêm thắp thêm một ngọn. Sau đó, người ta đọc kinh, cầu nguyện, rồi đem đặt cây đèn với 8 ngọn nến này ở cửa sổ mở, ngụ ý chuyển lời chúc mừng năm mới của gia đình mình đến mọi người xung quanh.
Tết trồng cây
Trong các loại tết đặc biệt thì Tết trồng cây “phổ biến” hơn cả: hầu hết các nước đều có tết này và nó ngày càng phát triển mạnh cùng với phong trào bảo vệ môi trường trên khắp thế giới. Người Do Thái cổ đại tổ chức Tết trồng cây vào cuối tháng giêng. Họ còn có tục lệ độc đáo là khi một bé trai ra đời, cha mẹ phải trồng một cây linh sơn trong vườn nhà, nếu sinh con gái thì trồng một cây tùng; khi trai gái kết hôn thì gia đình chặt cây dựng thành rạp cưới. Một số vùng ở Nhật Bản quy định vợ chồng mới cưới phải đến địa điểm quy ước để trồng “cây tân hôn”, mỗi đôi trồng 5 - 8 cây rồi viết tên mình và ngày cưới lên tấm biển cắm bên cạnh. Tại nhiều khu vực thuộc Nam Tư cũ, mỗi cặp lấy nhau phải trồng 70 cây trám, nếu không sẽ không được cấp giấy đăng ký kết hôn. Còn ở đảo Java (Indonesia) lại quy định vợ chồng mới cưới phải trồng 2 cây; khi ly dị phải trồng 5 cây; cưới lần thứ hai phải trồng 3 cây - nếu không chính quyền sẽ không công nhận cuộc hôn nhân… Tại Ba Lan, gia đình nào có người sinh nở thì phải trồng 5 cây (gọi là “cây gia đình”). Tương tự, nhiều địa phương ở Tanzania duy trì phong tục: khi mỗi đưa trẻ ra đời, lấy rau (nhau) người mẹ chôn xuống đất trước cửa rồi trồng lên đó một cây vạn lý, ngụ ý cầu chúc cháu bé khỏe mạnh, lớn nhanh và sống lâu như cây. Ngược lại, tại quần đảo Salomon, người nhà phải trồng một cây tưởng niệm bên mồ của người thân đã qua đời. Nhiều nhà máy ở Nhật Bản quy định cứ sản xuất thêm 6 cái ô tô thì phải trồng ít nhất 1 cây để góp phần đền bù, bảo vệ môi trường. Còn tại thành phố Aldabat (Âấn Độ), lúc xây nhà xong, muốn được chính quyền cấp giấy chứng nhận thì phải trồng cây quanh nhà.
Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới tổ chức Tết trồng cây để bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Do phong tục tập quán và điều kiện khí hậu khác nhau nên ở các nước, thời điểm tổ chức tết trồng cây cũng khác nhau. Tết trồng cây có thể vào tháng 1 hàng năm như ở Jordany; tháng 2 ở Tây Ban Nha, tháng 4 ở Đức hay Mỹ; tháng 5 ở Australia; tháng 6 ở Canada hay Phần Lan; tháng 7 ở Ấn Độ; tháng 8 ở New Zealand và Pakistan; tháng 9 ở Philippines và Thái Lan; tháng 10 ở Cuba; tháng 11 ở Singapore và Anh; và tháng 12 ở Zambia hay Syria…
Tết “đánh” quỷ
Tết này thường được tổ chức ở Nhật Bản vào các thời kỳ lập xuân. Ở các gia đình, người ta rán qua một chiếc đậu to, bày lên nơi trang trọng cúng tế, rồi vừa hô to: “Phúc đến, quỷ đi!”, vừa hô vừa vứt các mảnh của đậu rán ra khắp các góc nhà.
Sau khi làm việc đó, người ta phải ăn một lượng đậu tương đương với số đậu đã tung ra. Làm nghi lễ này, thần dân Nhật Bản tin rằng đã xua đuổi được ma quỷ và đón phúc lộc vào nhà.
khi mùa màng đã hoàn tất, thời tiết ấm áp, tộc người Sinhalese tổ chức Tết để chào mừng được mùa. Cư dân dùng số thóc gạo mới thu hoạch để nấu thành món ăn cho cả nhà liên hoan. Sau đó, tham gia các trò chơi, nhất là đua voi và hội đánh trống. Làng nào cũng có chiếc trống lớn, thường là phụ nữ tham gia.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.