Những điều hiểu không đúng về luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua

Luật An ninh mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 12/6 trong kỳ họp thứ 5, với 423 ĐBQH (trong tổng số 466 đại biểu có mặt tại hội trường) tán thành (tỷ lệ 86,86%); 15 đại biểu không tán thành; 28 đại biểu không biểu quyết.

Luật này quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, sau khi luật này được ban hành nhiều người đã hiểu không đúng một số điều. Dưới đây là một số điểm không được hiểu đúng.

“Cấm Facebook, Google… ở Việt Nam để dùng mạng riêng giống Trung Quốc”: Sai!

Điều 26 của luật An ninh mạng. Theo đó, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này và các thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.

Khoản 2, Điều 26 nêu rõ, doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm:

Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng;

Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;

Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của bộ Thông tin và Truyền thông.

Khoản 3, Điều 26 quy định, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Thủ thuật - Tiện ích - Những điều hiểu không đúng về luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua

Luật An ninh mạng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 5.

“Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới yêu cầu phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước”: Sai!

Đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp…) đã quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Mới đây nhất có thêm Ấn Độ cũng yêu cầu điều tương tự.

Hiện nay, Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singgapore. Nếu quy định của Luật này có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Việc quy định đặt máy chủ và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam không phải lần đầu tiên được quy định trong Luật này. Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội, cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải “có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng”.

Luật an ninh mạng Việt Nam yêu cầu “Cung cấp toàn bộ thông tin người dùng cho nhà nước, kể cả tin nhắn cá nhân, riêng tư….”: Sai!

Toàn văn luật yêu cầu “Cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”. Có nghĩa là khi cần cung cấp thông tin thì người đó phải là người phạm pháp, và phải có văn bản của cơ quan công an. Bạn không làm gì sai, không ai lấy thông tin của bạn.

“Các công ty sẽ không cung cấp thông tin cho Việt Nam vì luật này”: Sai!

Facebook hàng năm vẫn cung cấp thông tin đều đặn theo yêu cầu của Chính phủ. Bạn có thể search “Báo cáo 2017 transparency của Facebook” hoặc xem tại đây: https://transparency.facebook.com/government-data-requests/country/VN.

“Luật An ninh mạng vi phạm nhân quyền và không có quốc gia nào có luật này…”: Sai!

Rất nhiều quốc gia đã có luật An ninh mạng và còn gắt gao hơn nhiều ở Việt Nam. Tại Đức, bộ Tư pháp rất nghiêm trọng việc an ninh mạng, họ ra chỉ thị rõ ràng cho facebook, nếu không quản lý tốt để người dân kích động bạo lực, chửi bới trên mạng, xuyên tạc sẽ bị phạt thẳng tay từ phía Facebook đến người phát biểu. Đạo luật Netzwerkdurchsetzungsgesetz (NetzDG) được thông qua giữa năm ngoái nhưng chính thức có hiệu lực vào 1/1/2018 vừa qua sau 2 tháng gia hạn để các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phát triển các công cụ ngăn chặn phát ngôn kích động thù hận.

Mọi người dùng facebook, nếu không vi phạm những điều sau đây: Bịa đặt, nói xấu và bôi nhọ danh dự không có chứng cứ cá nhân hoặc tổ chức, kích động bạo lực trên Facebook, bịa đặt thông tin không chính xác, tuyên tuyền kêu gọi gây rối trật tự công cộng và an ninh quốc gia thì hãy cứ dùng facebook thoải mái, không ai cấm mọi người dùng Facebook và cấm mọi người phát ngôn cả. Nhưng  mọi người phải chịu trách nhiệm về lời nói phát ngôn trên mạng của mình chứ không phải “tôi thích thì tôi nói, nếu sai thì thôi”. Và dĩ nhiên nếu ai bị kẻ khác bôi nhọ nói xấu thì đã có luật pháp bảo vệ và truy tố kẻ đó.

Nguồn: nguoiduatin