Những lo ngại về việc thực hiện chậm trễ các thỏa thuận khí hậu sau Hội nghị Durban
Vòng đàm phán về khí hậu mới nhất của Liên hợp quốc kéo dài 11 ngày qua với hơn 180 nước tham dự, gần như chẳng đạt được tiến bộ nào đáng kể. Một lần nữa, những lo ngại về nguy cơ không thể “làm sáng tỏ” bản thỏa thuận vốn đã được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12/2011 tại Durban (Nam Phi) lại được dấy lên. Biến đổi khí hậu ngày càng gây ra những hậu quả khôn lường tới đời sống con người (Ảnh: Xinhua)
Sau Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Durban hồi năm trước, tại vòng đàm phán các quốc gia sẽ phải thống nhất thiết lập một khuôn khổ pháp lý áp dụng cho tất cả các nước vào năm 2020. Đây cũng chính là mục đích của cuộc gặp gỡ vừa diễn ra từ ngày 14 đến ngày 25/5 tại Bonn (Đức).
Ngay từ khi bắt đầu phiên họp lần này, Chủ tịch điều hành, bà Christiana Figueres đã nhấn mạnh với các đại biểu tham dự rằng, tiến bộ của vòng đàm phán lần này phụ thuộc vào tham vọng, “tham vọng hỗ trợ các nước đang phát triển, tham vọng huy động tài chính, tham vọng quyết định và giảm các khí thải theo tiêu chuẩn khoa học”. Tuy nhiên, đến cuối phiên họp, theo nhận định của nhiều nhà quan sát, phần lớn các nước lớn đều thiếu những “tham vọng” này.
Tại phiên họp được kỳ vọng sẽ tìm ra được bước tiến tiếp theo cho chặng đường đấu tranh chống biến đổi khí hậu vốn vẫn còn chưa mấy sáng sủa này, những bất đồng được xem là “muôn thủa” về mục tiêu, tỷ lệ cắt giảm khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính lại tiếp tục cản trở tiến trình đàm phán.
Một mặt, Trung Quốc muốn duy trì sự phân chia hiện tại giữa các nước phát triển và đang phát triển và cho rằng, phương Tây mới chính là nơi phát thải phần lớn lượng khí độc hại, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu. Ông Su Wei, nhà đàm phán đứng đầu của Trung Quốc cho rằng thỏa thuận mới phải ràng buộc tất cả các quốc gia sau năm 2020, dựa trên nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng khác biệt”, dựa trên thỏa thuận trước đó. Ông cũng nói rằng Trung Quốc vẫn là quốc gia đang phát triển vì chỉ vừa đủ trong danh sách 100 nước thu nhập bình quân đầu người cao nhất, và hơn 100 triệu người Trung Quốc vẫn sống dưới mức nghèo khổ.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu lại cho rằng hệ thống phân chia này đã cũ, không phản ánh thực tế kinh tế hiện tại và cần thay đổi. Jonathan Pershing, nhà đàm phán chính của Mỹ cho rằng hệ thống không còn phù hợp khi các nước tính theo thu nhập bình quân đầu người giàu hơn Mỹ, nhưng theo hệ thống này vẫn được xếp vào các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như vậy.
Ngoài ra, vấn đề hỗ trợ tài chính theo nhu cầu của các nước nghèo và dễ bị ảnh hưởng nhất để đối phó các tác động của biến đổi khí hậu cũng chẳng đạt được tiến bộ nào.
Hạn chế sự biến đổi khí hậu góp phần đảm bảo cuộc sống ấm no cho các thế hệ tương lai(Ảnh: Hải Lê) |
Theo nhận định của nhiều chuyên gia về môi trường, dường như tất cả những kết quả “nhỏ nhoi” đã rất khó khăn mới đạt được tại Durban lại gặp trở ngại tại Bonn. Theo như Trưởng đoàn đàm phán của Đan Mạch, ông Christian Pilgaard Zinglersen cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại khi chứng khiến tinh thần hợp tác vốn đã đạt được tại Durban lại không thể vượt qua trong phiên họp lần này. (…) Nếu các cuộc đàm phán tiếp tục tiến triển chậm chạp như hiện nay thì có nguy cơ rằng bản thỏa thuận Durban sẽ không được triển khai”.
Càng gần tới thời điểm Nghị định thư Kyoto hết hạn hiệu lực, thế giới lại càng khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói chung cho hướng đi tiếp theo trên con đường đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Thay vì khăng khăng đảm bảo lợi ích riêng cho quốc gia mình, cộng đồng quốc tế cần tỏ rõ thiện chí cũng như tham vọng tìm ra được phương thức hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của toàn nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh những hiểm họa từ biến đổi khí hậu đã hiển hiện trước mắt và ngày càng đe dọa tới sự sống của chính các công dân của mỗi nước trên hành tinh./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.