Những người lính Tiền Giang trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ

(THTG) 60 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến thắng Điện Biên Phủ , với biết bao biến cố, thăng trầm của thời gian, nhưng những người lính Điện Biên năm nào vẫn vẹn nguyên ký ức về  những năm tháng ra đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ với ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Bên họ, chúng tôi như được sống lại từng trang ký ức về những năm tháng, hào hùng của những người lính Điện Biên năm nào.

tin trong tinh

Theo sự chỉ dẫn của Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè, chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Hợp để nghe bà kể về những người lính xung phong tham gia đảm bảo giao thông, vận chuyển lương thực, vũ khí, thu gom chiến trường… của chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng trong tâm thức bao thế hệ.

17 tuổi, không biết mặt chữ, thế nhưng hòa chung bầu nhiệt huyết của thanh niên lúc bấy giờ, bà Hợp hăng hái tham gia đội thanh niên xung phong Trần Hưng Đạo với mong muốn cống hiến một phần sức trẻ làm nhiệm vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Trải qua nhiều chức vụ từ Trung đội trưởng rồi Bí thư đoàn Thanh niên xung phong, bà luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong mọi nhiệm vụ được giao.

Bà Hoàng Thị Hợp cho biết: Ngày đó gian khổ nhất là việc không đủ lương thực, thực phẩm để ăn uống hàng ngày. Những khi bị tắc đường hàng tháng trời, lương thực không chuyển lên kịp, mọi người chỉ còn cách vào rừng đào củ mài về để ăn thay cơm. Khó khăn, thiếu thốn trăm bề, sức khỏe không đảm bảo nhưng mọi người vẫn hăng hái lao động với sự quyết tâm cao nhất để đảm bảo cho những chuyến xe đưa hàng ra mặt trận không bị ách tắc, góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, thế nhưng họ luôn sát cánh bên nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn và đôi khi có những chuyện đáng lẽ đã đi vào quên lãng hàng mấy chục năm. Thế nhưng, khi nghĩ về nhau họ càng chạnh lòng và đau đớn hơn khi có những đồng đội mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Điện Biên.

Người nữ thanh niên xung phong kiên cường ngày nào giờ đây như một nhân chứng sống của chiến tranh, bà vẫn hòa mình vào với cuộc sống đời thường, như biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, bất khuất, kiên cường dù trong bất kì hoàn cảnh nào.

Đến với ông Đỗ Cẩm Y, khu phố 4, phường 1, Thị xã Gò Công, mới thấu hiểu thế nào là tình đồng đội, là sự quả cảm là khí phách kiên cường của những người lính trên chiến trường Điện Biên năm xưa. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thắng lợi hoàn toàn, đánh bại kẻ thù với vũ khí tối tân. Trở về từ cuộc chiến ác liệt ấy, biết bao chiến sỹ đã hiến đi một phần thân thể của mình cho đất nước.

Giờ đây, sau 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trôi qua, những kỷ niệm, những ký ức cứ tuôn trào về trong ông Y, đó như là động lực là ngọn lửa để ông tiếp tục phát huy trong thời bình góp phần xây dựng quê hương đất nước. Ông vẫn miệt mài, cặm cụi theo dõi các sự kiện diễn ra trong thời bình, vẫn nghiên cứu tìm hiểu về những chiến tích – nơi mà cách đây 60 năm về trước chiến sỹ ta từng “khoét núi, ngủ hầm” làm nên một chiến thắng Điện Biên.

Cuộc chiến qua đi đã hơn nửa thế kỷ, nhưng hào khí năm nào vẫn còn sống mãi trong trái tim những người lính Điện Biên. Bởi chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là niềm tự hào về ý chí của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, khao khát độc lập, làm nên tượng đài vĩnh cửu trong lòng các thế hệ người Việt Nam. Tinh thần đó đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo và viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc bằng truyền thống kiên cường và bất khuất của dân tộcViệt Nam.

 

MINH TOÀN