Những quy định có hiệu lực từ tháng 12-2022
Sử dụng bằng của người khác bị phạt tới 20 triệu đồng; thừa phát lại bị cấm thực hiện một số hành vi… là những quy định có hiệu lực từ tháng 12-2022.
Sử dụng bằng của người khác bị phạt tới 20 triệu đồng
Từ ngày 12-12, Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác sẽ bị phạt từ 10- 20 triệu đồng (so với trước đây phạt từ 3- 5 triệu đồng).
Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung bị phạt từ 10- 20 triệu đồng; phạt 30- 40 triệu đồng về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Thừa phát lại bị cấm thực hiện một số hành vi
Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-BTP quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp thừa phát lại với chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử trong quá trình hành nghề này.
Theo đó, thừa phát lại bị cấm thực hiện một số hành vi với người yêu cầu như: Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu; nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu; gây áp lực, ép buộc, lừa dối, đe dọa, chiết khấu hoặc đưa ra hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ… Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 22-12.
Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh
Theo Thông tư 14/2022/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 thì các hộ nghèo và cận nghèo đủ điều kiện sẽ nhận 500.000 đồng hoặc được trang bị điện thoại thông minh, nhằm phổ cập smartphone ở Việt Nam.
Điều kiện nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh gồm: hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến thuộc Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ… Thông tư có hiệu lực từ ngày 12-12.
Quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2022/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của nhà nước.
Theo đó, việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Các khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định pháp luật liên quan.
Đối với quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại sử dụng theo hình thức hỗ tương, căn cứ Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện thỏa thuận với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được sử dụng nhà để ký hợp đồng (hoặc thỏa thuận) sử dụng nhà quy định về trách nhiệm các bên trong thời gian sử dụng.
Ngoài ra, đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại tổ chức thực hiện bàn giao nhà, đất cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của bên Việt Nam đối với việc sử dụng nhà, đất ghi tại Điều ước quốc tế; tổ chức thực hiện tiếp nhận, bảo vệ nhà, đất do tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trả lại khi hết thời hạn sử dụng hỗ tương… Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-12.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.