Niềm vui sướng tột độ của phụ nữ Saudi Arabia được chính thức lái ô tô
Từ ngày 24/6, phụ nữ Saudi Arabia được lái xe ô tô một cách hoàn toàn hợp pháp. Họ rất vui sướng trước bước ngoặt lịch sử này.
Phụ nữ tại vương quốc Hồi giáo Saudi Arabia đổ ra đường vào đầu ngày 24/6, khi nước này chính thức dỡ bỏ lệnh cấm lái xe ô tô đối với phụ nữ. Lệnh cấm này cũng là lệnh cấm lái xe nữ cuối cùng trên thế giới được bãi bỏ. Lệnh cấm lái xe ô tô đối với phụ nữ ở Saudi Arabia đã từ lâu bị coi là biểu tượng cho việc đè nén nữ quyền.
Một phụ nữ Saudi Arabia phấn khích giơ ngón tay trong gương chiếu hậu của xe ô tô sau khi nước này chính thức dỡ bỏ lệnh cấm lái xe ô tô đối với phụ nữ. Ảnh: Reuters. |
Phút giây lịch sử
Sau 0h sáng, nữ doanh nhân Samah al-Qusaibi vừa lái xe vi vu dọc theo các con phố ở thành phố Khobar vừa nói: “Đây là một ngày đẹp. Chúng tôi giờ ngồi đây. Hôm qua chúng tôi ở hàng ghế sau”.
Nhà tâm lý học Samira al-Ghamdi, 47 tuổi đến từ Jeddah, chia sẻ: “Đây là quyền của chúng tôi và cuối cùng chúng tôi đã có được quyền đó. Nói chung, việc xã hội này chấp nhận chuyện nữ giới lái xe chỉ là vấn đề thời gian”.
Samira là một trong số ít các phụ nữ Saudi đã kịp học lấy bằng lái xe trước đó.
Tỷ phú Saudi Hoàng tử Alwaleed bin Talal, một người cổ xúy cho quyền của phụ nữ được lái xe, đã đăng lên mạng xã hội Twitter đoạn video con gái của ông đang lái xe ô tô. Trong đoạn video này, ông nói với các cháu ngoại mình đang ở hàng ghế sau của ô tô: “Saudi Arabia mới bước vào thế kỷ 21”.
Vào tháng 9/2017, Quốc vương Saudi Arabia đã ra lệnh bãi bỏ lệnh cấm nữ giới lái xe ô tô và lệnh hủy bỏ đó có hiệu lực vào tháng 6/2018. Lệnh hủy bỏ nói trên là một phần trong các cải cách sâu rộng do người con trai của ông, Thái tử Mohammed bin Salman, thực hiện nhằm chuyển đổi nền kinh tế Saudi phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và mở cửa xã hội Saudi vốn có nhiều quy định khép kín và hà khắc.
Lệnh cấm phụ nữ lái ô tô đã bị dư luận thế giới chỉ trích và so sánh với chế độ Taliban ở Afghanistan trong nhiều năm qua. Nay việc hủy bỏ lệnh cấm này đã nhận được sự hoan nghênh của các đồng minh phương Tây của Saudi Arabia, coi đó là bằng chứng về sự tiến bộ ở Saudi Arabia.
Quyết định dỡ bở lệnh cấm này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Saudi Arabia, khi phụ nữ có thể tích cực tham gia vào lực lượng lao động. Ngoài ra, các ngành như bán ô tô hay bảo hiểm ô tô đều hy vọng sẽ có sự tăng trưởng mới.
Thực tế, thị trường chứng khoán Saudi đã tăng 1% trong ngày 24/6.
Đối với nhiều gia đình, lệnh dỡ bỏ này đồng nghĩa với việc tiết kiệm được một khoản lớn tiền dành cho việc thuê tài xế riêng.
Lệnh cấm ở Saudi là dựa trên các “lý do” về tôn giáo và văn hóa. Theo đó, nữ giới phải dựa vào người thân là nam giới hoặc tái xế thuê để có thể đi lại bằng ô tô con.
Đột phá so với 28 năm trước
Khi Fawzia al-Bakr lái xe ô tô qua các con phố ở thủ đô Riyadh vào năm 1990 để thách thức lệnh cấm phụ nữ lái xe ở vương quốc Hồi giáo này, cô đã mất việc và bị đe dọa giết chết. Bakr sau đó đã phải chuyển nhà.
Đúng 28 năm sau, vào rạng sáng ngày 24/6, cháu gái của bà bước vào một chiếc xe Lexus màu đen, thoải mái hạ kính xe ô tô xuống và hít hà cơn gió ấm áp khi cô lần đầu tiên lái xe ô tô một cách hợp pháp ở Saudi Arabia.
Cô gái Majdooleen al-Ateeq, 23 tuổi, mới tốt nghiệp đại học ở Mỹ, phấn khích nói: “Cảm giác rất khác so với khi ngồi ở ghế sau. Tôi rất vui sướng. Mắt tôi như được rọi khắp mọi nơi. Tôi hơi bị ngợp trước khung cảnh mới này”.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Ateeq đang trên đường tới lớp học thì nhận được tin Quốc vương Salman đã ra lệnh bãi bỏ lệnh cấm lái xe.
Ateeq nhớ lại: “Tôi đã phải gọi cho gia đình tôi ở Riyadh để xác nhận xem liệu thông tin này có đúng không. Trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ: Giờ thì mình có thể tự làm được rồi, mình không phải nhờ ai đèo bằng ô tô đi mọi nơi nữa”.
Cô gái Ateeq ngồi sau vô lăng ô tô hôm 24/6. Ảnh: Reuters. |
Cuộc biểu tình đầu tiên về chuyện đi lại đó diễn ra vào ngày 6/11/1990. Khi đó 47 phụ nữ lái xe quanh trung tâm Riyadh trong gần 1 tiếng đồng hồ, cho tới khi họ bị cảnh sát tôn giáo bắt giữ. Trong số phụ nữ đó, có Bakr – dì của Ateeq, và mẹ của cô.
Khi thấy cháu gái lái ô tô đến thăm mình vào hôm 24/6, Bakr chia sẻ: “Tôi thật lòng ghen tị với con bé. Giờ thì con bé có thể thoải mái lái xe ô tô, được bảo hiểm, trong khi thời chúng tôi thì vô cùng khó khăn”.
Ateeq đã nhập chiếc ô tô từ California (Mỹ) vào đầu năm nay.
Bakr nói tiếp: “Tôi rất xúc động và vui sướng là xã hội chúng tôi và các lãnh đạo của chúng tôi đã tiến tới được mức này. Về khoản lái xe, giờ thì phụ nữ chúng tôi cũng như bao phụ nữ khác trên thế giới”.
Bakr dự định sẽ bắt đầu lái xe vào ngày 6/11 để kỷ niệm cuộc biểu tình lịch sử của bà cách đây 28 năm.
Chặng đường phía trước của phụ nữ Saudi vẫn còn dài
Mặc dù vậy, số lượng lái xe nữ mới vẫn còn thấp. Các phụ nữ có bằng lái xe nước ngoài chỉ mới chuyển đổi bằng vào đầu tháng 6; những người khác thì đang học lái xe tại các trường do nhà nước Saudi mới mở. Dự kiến có 3 triệu phụ nữ Saudi Arabia lái xe vào năm 2020.
Một số phụ nữ Saudi vẫn vấp phải sự phản đối từ những người thân có tư tưởng bảo thủ. Ngoài ra một số phụ nữ Saudi khác đã quen với việc có tài xế riêng nên họ cảm thấy không thoải mái khi phải tự lái xe qua các con đường đông đúc.
Cô Fayza al-Shammary, một nhân viên bán hàng 22 tuổi, nói: “Tôi nhất quyết không lái xe ô tô. Tôi thích làm một công chúa có ai đó mở cửa xe cho mình và lái xe đưa tôi đi”.
Khi phụ nữ được lái xe như thế này, ở Saudi Arabia người ta lại lo ngại phụ nữ sẽ bị quấy rối tình dục. Vào tháng 5, nước này đã thông qua luật mới về chống quấy rối.
Bộ Nội vụ Saudi Arabia có kế hoạch lần đầu tiên tuyển các nữ cảnh sát giao thông. Tuy nhiên không rõ những nữ cảnh sát này sẽ được triển khai ở đâu. Cục An ninh Công cộng của Saudi cho hay, trong giờ đầu tiên sau khi lệnh cấm lái ô tô với nữ được chính thức dỡ bỏ, chưa ghi nhận được sự cố bất thường nào được trình báo với giới chức.
Cư dân Amr al-Ardi ở thủ đô Riyadh cho biết, các phụ nữ trong gia đình ông sẽ nghe ngóng tình hình trước khi bắt đầu lái xe ô tô.
Ngay cả khi dỡ bỏ lệnh cấm lái xe, quốc gia Hồi giáo Saudi Arabia vẫn là một trong các nước có nhiều quy định ngặt nghèo nhất đối với phụ nữ. Chẳng hạn, phụ nữ ở đây vẫn cần sự cho phép của các nam giới giám hộ liên quan đến các quyết định quan trọng như đi du lịch nước ngoài hay kết hôn.
Tổ chức Amnesty International (Ân xá Quốc tế) cho biết, lệnh cấm này mới chỉ là “bước đi nhỏ đúng hướng”. Họ vẫn kêu gọi chấm dứt các hoạt động phân biệt đối xử khác nhằm vào nữ giới ở Saudi Arabia.
Tháng trước, hàng chục nhà hoạt động nữ quyền đã bị bắt giữ với cáo buộc tình nghi liên hệ với các nước thù địch.
Giới ngoại giao cho rằng các vụ bắt giữ này có 2 mục đích: một là để trấn an những người có tư tưởng bảo thủ, hai là để gửi đi thông điệp rằng các nhà hoạt động không nên đi quá xa./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.