Nợ của 3 hãng hàng không Việt lên tới 36.000 tỉ đồng
Các hãng hàng không Việt đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền. Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỉ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỉ đồng).
Theo đánh giá của VABA, hàng không là động lực phát triển kinh tế. Các chuyên gia nước ngoài tính rằng hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%. Trước đại dịch, hàng năm doanh thu vận tải hàng không tăng bình quân từ 15%-20%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành hàng không.
Sân bay Nội Bài vắng khách những ngày này – Ảnh: Phan Công
Cụ thể, thống kê của VABA cho thấy, doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỉ đồng). Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways lỗ từ hoạt động hàng không 16.000 tỉ đồng. Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỉ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỉ đồng). Số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng, trong khi năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết cổ truyền và Hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5-6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020) khiến các hãng càng suy kiệt. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỉ đồng/ngày.
“Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng đã cạn kiệt, cơ hội tiếp cận vốn vay khó khăn, chi phí vay vốn cao. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho hàng không được đề ra kịp thời nhưng còn thiếu và chậm triển khai” – ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho hay.
Trên cơ sở này, VABA kiến nghị mở rộng và thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không.
Cụ thể, theo Thông tư 04/2021 của ngân hàng Nhà nước quy định về tái cấp vốn đối với Tổ chức tín dụng cho Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay 4.000 tỉ đồng với lãi suất 0%, VABA đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 5.000 – 6.000 tỉ đồng tương tự như Vietnam Airlines, thời hạn tái cấp vốn là 12 tháng và được gia hạn tự động 2 lần cho các hãng hàng không khác, căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng để hỗ trợ hãng thanh khoản.
VABA cũng đề nghị dành cho các hãng hàng không vay gói tín dụng khoảng 25.000 tỉ đồng ưu đãi giảm lãi suất 4%, thời hạn từ 3-5 năm để các hãng duy trì nguồn lực, có nguồn vốn phục hồi, phát triển, đồng thời cho các doanh nghiệp hàng không nói chung được áp dụng mức lãi suất giảm 2% theo Nghị quyết số 84 ngày 29-5-2020 của Chính phủ.
VABA đề nghị cho phép áp dụng mức ưu đãi như nội dung của Thông tư 19/2020 của Bộ Giao thông Vận tải từ 1-1-2021 đến 30-6-2022 đồng thời giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga cho khách bay để góp phần kích cầu bay đi du lịch; xem xét giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo phục vụ ngành hàng không từ nay đến hết năm 2022.
Nhấn mạnh giải pháp sớm triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng và xem xét sử dụng “hộ chiếu vắc-xin”, VABA đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều vắc-xin; từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vắc-xin đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế.
Hiện, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có “hộ chiếu vắc-xin”. Nhiều hãng hàng không, ngành du lịch và kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, phát triển nhanh chóng do tiêm vắc-xin trên diện rộng và áp dụng hộ chiếu vắc-xin, qua đó cũng tăng năng lực cạnh tranh cho ngành hàng không và du lịch quốc tế.
Đường sắt lỗ nặng, nguy cơ dừng hoạt động
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin vay 800 tỉ đồng không tính lãi nhằm tránh nguy cơ dừng hoạt động do kinh doanh thua lỗ vì ảnh hưởng dịch Covid-19
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết xin vay 800 tỉ đồng là một trong nhiều kiến nghị của VNR với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Khoản vay 800 tỉ đồng này nhằm bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động của tổng công ty. Khi thị trường phục hồi, có dòng tiền, VNR sẽ trả lại. “Dự kiến 2 năm lỗ hơn 2.200 tỉ đồng nhưng VNR chỉ dám vay 800 tỉ đồng là mức tối thiểu để duy trì dòng tiền hoạt động, cố gắng cầm cự với tính toán các chi phí thấp nhất, vì dù vay không lãi vẫn phải trả nợ” – Chủ tịch VNR nói.
Nhiều người lao động ngành đường sắt bị giảm thu nhập hoặc mất việc
Cũng trong báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VNR cho biết năm 2020, hoạt động sản xuất – kinh doanh của tổng công ty chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và việc triển khai thi công gói đầu tư 7.000 tỉ đồng tuyến đường sắt Bắc – Nam. Mặt khác, do ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ tại miền Trung vào tháng 11 và 12-2020 nên sản lượng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 81% so với năm 2019 và lỗ 1.300 tỉ đồng. Sang năm 2021, hoạt động sản xuất – kinh doanh tiếp tục ảnh hưởng bởi các khó khăn trên. Sáu tháng đầu năm, doanh thu của VNR ước đạt 77% cùng kỳ năm 2020 và bằng 53% năm 2019 khi chưa có dịch Covid-19. Dự kiến năm 2021, VNR lỗ 942 tỉ đồng.
Cùng với kiến nghị được vay ưu đãi, VNR cũng kiến nghị có các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động khối vận tải đang bị mất việc và thiếu việc làm vì dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư theo Thông tư 12/2021 cho các năm tiếp theo để giảm khó khăn cho doanh nghiệp vận tải đường sắt. Theo đó, mức thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được xác định là 4% trên doanh thu, thay vì 8% như trước đây.
Trước mắt, lãnh đạo VNR cho biết sẽ tăng cường triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút hành khách và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách muốn hủy, trả vé; điều chỉnh giá vé theo từng cung chặng, giảm 12%-30% giá vé đối với tàu Thống Nhất và một số tàu địa phương theo từng giai đoạn diễn biến thực tế của dịch và khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Tổng công ty sẽ theo dõi tình hình luồng khách, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch chạy tàu cũng như thành phần đoàn tàu nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất – kinh doanh; rà soát đánh giá kết cấu vận chuyển hàng hóa, hành khách trong điều kiện vận tải hiện tại, xây dựng phương án tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách cho phù hợp.
Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam, cho biết doanh nghiệp này đã cạn kiệt. Vì vậy Chính phủ cần có gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Năm 2020, người lao động đường sắt không được hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ vì điều kiện kèm theo là doanh nghiệp phải không có doanh thu. Trong khi đó, dù doanh nghiệp vận tải đường sắt vẫn có doanh thu nhưng lỗ hàng trăm tỉ đồng.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.