Nợ toàn cầu ở mức kỷ lục 277.000 tỷ USD
Ngày 30-3, phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến do Liên hiệp quốc (LHQ), Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Jamaica Andrew Holness đồng chủ trì, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi thế giới triển khai các biện pháp khẩn cấp và quyết liệt nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ do dịch Covid-19 gây ra.
Cần phối hợp toàn cầu
Theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, thế giới cần hành động khẩn cấp để hỗ trợ chính phủ các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận nguồn tiền mặt và giảm bớt gánh nặng nợ.
Ông lưu ý các nước giàu đã dành khoảng 16.000 tỷ USD cho các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp kinh tế và y tế, qua đó tạo điều kiện để các nền kinh tế này phục hồi. Ngược lại, các nước đang phát triển không thể đầu tư nhiều cho việc thúc đẩy phục hồi kinh tế do tài chính hạn hẹp. Xét theo bình quân đầu người, ước tính các nước kém phát triển nhất chi cho các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 ít hơn 580 lần so với các nền kinh tế phát triển.
Người đứng đầu LHQ cũng cảnh báo các quốc gia nghèo nhất đang phải đối mặt với sự phục hồi kinh tế chậm chạp, kéo theo đó là kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Điều này có nguy cơ làm chệch hướng các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ và cả các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Thế giới cần xây dựng một cơ chế nợ mới nhằm có thêm sự lựa chọn như hoán đổi nợ hay xóa nợ để hỗ trợ các nước nghèo đối phó với đại dịch và phục hồi kinh tế.
Ông cũng kêu gọi các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) gia hạn việc giãn nợ cho các nước đang phát triển và thu nhập thấp tới năm 2022, cũng như mở rộng khuôn khổ chung về xử lý nợ, bao gồm cả các nước thu nhập trung bình có nhu cầu.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng cho rằng đại dịch đã gây ra sự bất bình đẳng kinh tế rõ rệt trong và giữa các quốc gia và điều này chỉ có thể giải quyết thông qua hợp tác quốc tế.
Cuộc họp còn có sự tham gia của lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Sự kiện này diễn ra sau một loạt hội nghị được tổ chức vào năm ngoái nhằm huy động các nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các cuộc thảo luận tập trung vào sự cấp thiết phải hành động mạnh mẽ và cụ thể hơn để cung cấp thanh khoản và giải quyết tình trạng mấp mé bờ vực vỡ nợ ở các nước đang phát triển.
Nợ tăng kỷ lục
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington, Mỹ, nợ toàn cầu đã tăng hơn 15.000 tỷ USD vào năm ngoái lên mức kỷ lục 277.000 tỷ USD.
Thống kê của LHQ cho thấy, kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, 6 quốc gia đang phát triển đã rơi vào tình trạng vỡ nợ, trong khi 42 nước khác bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Đáng chú ý là ít nhất 120 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm ngoái.
Dự báo của IIF cho biết, năm 2021, các mức vay mượn dự kiến cũng sẽ vượt xa so với trước đại dịch Covid-19 ở nhiều nước và nhiều lĩnh vực, một phần do lãi suất vẫn thấp. Các mức tăng nợ đặc biệt cao ở châu Âu, với tỷ lệ nợ trên GDP của khu vực phi tài chính ở Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp tăng 50%.
Còn tại các thị trường mới nổi, Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ nợ tăng mạnh nhất, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Nhận định về thực trạng này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã có xu hướng tăng nhiều năm qua. Đại dịch chỉ đẩy nhanh quá trình này. Áp lực chính trị và xã hội có thể hạn chế nỗ lực của các chính phủ nhằm giảm thâm hụt và nợ, gây nguy hiểm cho khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Điều này còn có thể cản trở các phản ứng chính sách nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thất thoát vốn tự nhiên.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.