Nobel Kinh tế cho “dự báo giá tài sản”

       3 nhà khoa học Mỹ – Eugene Fama, Lars Peter Hansen và Robert Shiller – đã được trao giải Nobel Kinh tế hôm 14-10 nhờ những công trình nghiên cứu riêng biệt giúp cải thiện việc dự báo giá tài sản trong dài hạn.
       Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đánh giá những công trình dựa trên kinh nghiệm của họ đã đặt nền tảng cho sự hiểu biết hiện nay về giá tài sản cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc nhận biết xu hướng trên các thị trường. Cụ thể là họ đã tìm ra những cách thức mới để nghiên cứu giá tài sản và dùng chúng vào việc tìm hiểu giá cổ phiếu, trái phiếu và những mặt hàng khác… Những phương thức của họ trở thành công cụ chuẩn trong nghiên cứu khoa học, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động đầu tư. Việc hiểu biết rõ hơn về giá tài sản đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những quyết định như tiết kiệm, mua nhà và ban hành chính sách kinh tế quốc gia. Thông cáo báo chí của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận định: “Việc định giá sai tài sản có thể góp phần dẫn đến khủng hoảng tài chính, như những gì xảy ra trong cuộc suy thoái toàn cầu mới đây”.
Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Kinh tế (từ trái qua): Eugene Fama, Lars Peter Hansen, Robert Shiller Ảnh: Reuters

Theo báo The Wall Street Journal, cả ông Fama, 74 tuổi và ông Hansen, 62 tuổi, đều đang là giáo sư Đại học Chicago. Riêng ông Shiller, 67 tuổi, đang giảng dạy kinh tế tại Đại học Yale, được biết đến nhiều với tư cách là một trong những nhà đồng sáng lập khi đưa ra chỉ số Case-Shiller về giá nhà tại Mỹ. Ông càng trở nên nổi tiếng sau khi lên tiếng cảnh báo về tình trạng bong bóng cổ phiếu công nghệ và thị trường nhà ở. Khi biết mình được trao giải Nobel Kinh tế, ông Shiller tỏ ra vô cùng bất ngờ, cho rằng có nhiều người xứng đáng hơn ông.

Giải Nobel Kinh tế bắt đầu được trao từ năm 1968 và không nằm trong số những giải được lập ra theo di chúc của ông Alfred Nobel. Giải thưởng này đã khép lại mùa Nobel năm nay, trong đó nước Mỹ tiếp tục chiếm ưu thế khi có đến 9 nhà khoa học, chuyên gia chia nhau các giải thưởng danh giá này. Sự thống trị của người Mỹ trong giải Nobel Kinh tế càng rõ ràng hơn khi lần gần đây nhất, giải này vuột khỏi tay họ là vào năm 1999.

Lễ trao giải thưởng Nobel dự kiến diễn ra tại Stockholm – Thụy Điển vào ngày 10-12 tới, đúng vào ngày mất của ông Nobel năm 1896. Mỗi giải thưởng trị giá khoảng 1,2 triệu USD.

Nguồn NLĐ