Nỗi lo bảo tồn ca Huế
Dù được xem là loại hình âm nhạc bác học, có sự ảnh hưởng lớn nhưng đến nay, ca Huế vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy
Ngày 22-9, lần đầu tiên một hội thảo quy mô quốc gia được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nhà quản lý để bàn về giá trị, định hướng bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế.
Âm nhạc bác học cổ điển
Tại hội thảo, những người tham gia đều cho rằng ca Huế được phát sinh vào khoảng thế kỷ XVII, có nguồn gốc từ cung đình. Ca Huế ra đời để phục vụ thú vui của vua chúa, quan lại, giới quý tộc nhưng sau đó được lưu truyền ra dân gian, hòa quyện với các làn điệu âm nhạc dân tộc.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên – Huế, khẳng định ca Huế là loại hình âm nhạc bác học cổ điển với hệ thống bài bản có cấu trúc chặt chẽ, đòi hỏi kỹ năng biểu diễn điêu luyện của ca công, nhạc công. Chính vì xuất xứ từ cung đình nên ca Huế mang phong cách sang trọng, tao nhã nhưng cũng đậm đà phong vị dân gian.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế (nay là Sở VH-TT-DL), cho rằng ca Huế là cổ nhạc, có cả ca và nhạc, khác hẳn những loại hình khác. Ca Huế chưa từng được cất lên trên những cánh đồng, trong lúc cày cấy… Loại hình âm nhạc này rất kén chọn không gian diễn xướng. Nó chỉ lột tả được thần thái khi cất lên trong những phòng khách sang trọng, những lòng thuyền tao nhã, với số lượng người nghe vừa phải, có người tri âm, tri kỷ, có trình độ thưởng thức.
Theo dịch giả Bửu Ý, ca Huế giúp người nghe đạt bản chất của nó, tức là những tình cảm đất đai, nguồn cội được biến thành lời ca, thành cách luyến láy, ngắt câu, thành quãng lặng. Nó buộc người thưởng thức không phải chỉ nghe bằng thính giác mà còn cả truyền âm nhập mật, xuyên qua lời ca tiếng nhạc và cả thể phách ca nhi.
“Khi nghe ca Huế thì mọi xao náo của đời sống thường ngày dừng lại phía bên ngoài, chẳng khác nào sinh hoạt của hiện tại không thể nào hòa lẫn vào sinh hoạt của quá khứ đang dần dà sống lại. Ca Huế không chen lấn xô đẩy với một ô vuông nào khác, nó sống yên bình và tỏa bình yên ra chung quanh. Nghe ca Huế, bạn sẽ thấy rất thanh thản, tình người. Ca Huế sẽ không bao giờ giành thị phần với các loại hình ca nhạc khác. Nó luôn đứng ở phần thiểu số nhưng đã cắm rễ vào đất mẹ, chuyên chở tâm hồn của dân tộc” – ông Bửu Ý nhìn nhận.
Báo động biến chất
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, ca Huế rất thịnh đạt vào thời vua chúa tồn tại nhưng giai đoạn 1885-1945 đã ngưng đọng, từ 1945-1989 bị suy thoái. Ca Huế chỉ mới “tái sinh” từ lúc tái lập tỉnh Thừa Thiên – Huế đến nay dưới dạng là một sản phẩm du lịch, diễn xuất trên thuyền sông Hương hoặc ở các thính phòng.
Ông Hoa cho rằng ca Huế chưa “phục hưng” toàn diện, đang báo động về sự biến chất, giới trẻ ở Huế ngày càng xa cách. Trong khi đó, nhiều tác phẩm nghiên cứu, giáo trình giảng dạy về lịch sử âm nhạc Việt Nam thì thiếu nhắc đến ca Huế hoặc chỉ đề cập vài dòng sơ lược. “Có nhà nghiên cứu âm nhạc ngay ở Hà Nội còn gọi ca Huế là dân ca Huế, là loại hình âm nhạc “ô tang tình tang”. Đó là những hiện tượng lạ đời do thiếu hiểu biết” – ông Hoa băn khoăn.
Ông Hoa đề xuất cần phải xóa bỏ những hình thức thô tạp như việc biểu diễn ca Huế trên thuyền mạo danh thuyền rồng với những bộ trang phục nửa vời, lòe loẹt, thiếu sự tinh tế. “Một số ca sĩ, nhạc công muốn tạo tiết tấu réo rắt để hấp dẫn du khách đã đẩy nhanh tốc độ nhiều làn điệu, bài hát, vô tình phá nát sự trang trọng, tinh tế, có nguy cơ làm biến chất ca Huế” – ông Hoa nêu thực trạng.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, cho biết hiện nay, ca Huế có 2 hình thức đào tạo nghệ sĩ. Đó là loại hình đào tạo chính quy ở Học viện Âm nhạc Huế và Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh; loại hình còn lại là tại “lò” của các nghệ nhân.
Theo đánh giá của ông Tuấn, loại hình đào tạo chính quy dù có bài bản, từ thấp đến cao nhưng thời lượng các môn học liên quan chiếm quá nhiều so với những môn chuyên ngành nên khó tạo ra một thế hệ nghệ sĩ điêu luyện. “Thực tế, học sinh chỉ có thể vừa ca vừa nhịp chứ rất khó ca xong mới nhịp. Vậy nên, một khóa đào tạo thì chất lượng ngang bằng nhau, không có sự chênh lệch lớn nếu không tự học hỏi thêm” – ông Tuấn nhận xét.
Mặt khác, hình thức đào tạo chính quy phải tuân thủ quy định chung giữa Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ VH-TT-DL. Trong khi đó, khung chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục – Đào tạo ban hành còn có nhiều điểm không phù hợp với quy trình đào tạo ngành nghệ thuật truyền thống hoặc thiếu thống nhất với quy trình của Bộ VH-TT-DL. Đối với hình thức truyền nghề không chính quy tại các “lò”, các nghệ nhân thường thiếu phương pháp bài bản, chỉ dựa trên kinh nghiệm của mình.
Ông Võ Quê, Chủ nhiệm CLB ca Huế Phú Xuân, đề nghị nhà nước cần sớm có kế hoạch thu hình, thu tiếng các bài bản lớn vì đội ngũ nghệ nhân ca Huế đang mỏng dần. Đồng thời, cần quan tâm đưa ca Huế vào chương trình giáo dục học đường dưới dạng các buổi nói chuyện có minh họa hay các buổi biểu diễn nghệ thuật.
Xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO
Tối 22-9, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức lễ đón bằng công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do Bộ VH-TT-DL cấp. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa – Bộ VH-TT-DL, đây là điều kiện cần thiết để ca Huế xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào một trong các danh sách: di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Để làm được điều này, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng ca Huế, làm sáng tỏ thêm những giá trị nổi bật đối với sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của nhân loại. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với ca Huế.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng vai trò của ca Huế lâu nay đã được các nhà nghiên cứu, các bậc thầy trong nghề khẳng định. Nó không những ảnh hưởng đến loại hình ca kịch Huế mà còn có sự lan tỏa, tác động đến các vùng âm nhạc trong cả nước, đầu tiên là vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và đã hình thành nên lối “đờn Quảng”.
Đặc biệt, khi lan vào Nam Bộ, ca Huế đã dần dần hình thành nên dòng đờn ca tải tử vào cuối thế kỷ XIX, nhờ các nhạc sĩ, nhạc quan triều Nguyễn theo phong trào Cần vương vào Nam. Ca Huế còn có sự ảnh hưởng đến âm nhạc phương Bắc. Trong đó, làn điệu dân ca quan họ có giọng Huế, nhiều bài dựa theo âm điệu. Điều này đã được cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khẳng định tại Đại nhạc hội ca Huế năm 1977, rằng: Nghệ thuật ca nhạc Huế là cột mốc lớn đánh dấu một giai đoạn phát triển của văn hóa dân tộc, là cơ sở xuất phát những làn ca rộng lớn từ châu thổ Cửu Long đến mũi Cà Mau, đồng bằng sông Hồng và cả trung du Bắc Bộ.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.