Nỗi lo thất nghiệp của cầu thủ Việt
Tiền vệ Duy Quang người Đồng Tháp từng là được xem là món hàng “hot” trên thị trường chuyển nhượng. Rời Đồng Tháp, Quang đến với Hoàng Anh Gia Lai. Sau Hoàng Anh Gia Lai là Khánh Hòa. Cứ ngỡ Duy Quang sẽ gắn bó với Khánh Hòa đến khi giải nghệ nhưng ở kỳ nghỉ Euro, cầu thủ người Đồng Tháp bị đội bóng phố biển chấm dứt hợp đồng. Ở tuổi 34, Duy Quang rất khó kiếm một bản hợp đồng mới.
Như Thành khó tìm việc vì chấn thương dai dẳng. Ảnh: An Nhơn |
Cùng Duy Quang, Khánh Hòa còn cho Trần Mạnh Tú ra đường. Mạnh Tú từng là tài năng trẻ của bóng đá Nam Định. Khi đội Nam Định xuống hạng Nhất, Tú đến Nha Trang khoác áo Khánh Hòa. Chỉ được một năm, Tú bị cho thôi việc. Không thuộc biên chế đội nào, Tú giờ hằng ngày xách giày đi “đá phủi” để duy trì thể lực và chờ cơ hội tìm việc ở một đội bóng mới. “Biên chế các đội đã đủ, rất khó để tìm một đội bóng mới”, Tú thừa nhận.
Duy Quang đã ở bên kia sườn dốc sực nghiệp, Mạnh Tú không phải là cầu thủ thuộc dạng có đẳng cấp nên khó tìm việc đã đành. Ngay cả Như Thành – trung vệ thuộc dạng nhất nhì Việt Nam - cũng đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Trường thành từ “lò” Thể Công, tên tuổi Như Thành được tạo dựng ở Bình Dương với hai chức vô địch V-League và AFF Cup với tuyển Việt Nam năm 2008. Rời Bình Dương, Như Thành về Ninh Bình với bản hợp đồng có giá trị tới 8 tỷ đồng. Ở đất Ninh Bình, Như Thành không đóng góp được nhiều vì chấn thương triền miên. V-League 2012 khép lại sẽ là lúc hợp đồng của Như Thành với Ninh Bình kết thúc. Đội bóng cố đô Hoa Lư chưa biểu hiện muốn giữ chân Như Thành. Thành đang tích cực liên hệ tìm bến đỗ mới, nhưng chưa đội bóng nào đáp ứng được mức lương vài chục triệu mỗi tháng cùng tiền “lót tay” cỡ vài tỷ đồng mà Như Thành đề nghị.
Hòa Phát (xanh) mới bỏ bóng đá sau 8 năm gắn bó |
Cầu thủ từng được xem là nghề dễ kiếm việc, hái ra tiền. Có thời kỳ, các CLB ở V-League chỉ dùng tiền để mua người, nâng cấp sức mạnh. Nhu cầu lớn khiến giá cầu thủ Việt tăng phi mã. Năm 2002, Minh Phương lập kỷ lục chuyển nhượng đầu tiên với giá 500 triệu đồng (từ Cảng Sài Gòn tới Đồng Tâm Long An), nhưng kỷ lục chỉ tồn tại có vài ngày. Bình Dương cũng năm đó đã bỏ ra 1,2 tỷ đồng lấy tiền vệ Trường Giang từ Tiền Giang. Sau vài mùa giải, kỷ lục của Trường Giang trở nên khiêm tốn. Navibank Sài Gòn trả Quang Hải 9 tỷ đồng để sở hữu chân sút người Khánh Hòa trong 3 năm. Ninh Bình chi tổng cộng 15 tỷ đồng để có Như Thành và Việt Thắng. Tới giờ, kỷ lục chuyển nhượng của cầu thủ Việt thuộc về Phước Tứ. Sài Gòn Xuân Thành đã đầu tư tới 12 tỷ đồng để sở hữu trung vệ tuyển Việt Nam trong 3 năm. Từ sau bản hợp đồng kỷ lục của Phước Tứ, cầu thủ Việt được định giá khá rõ ràng: Người có “mác” đội tuyển nhận lót tay ít nhất 1,5 tỷ đồng một năm; còn hạng thấp hơn cũng 700 triệu đồng.
Mốt dùng tiền mua người của các CLB được gọi là “đại gia” có vẻ đã hết thời. Từ mùa bóng 2011, V-League không còn xuất hiện những bản hợp đồng kiểu bom tấn nữa. Theo chuyên gia Trần Duy Long, đây là xu thế tất yếu bởi sau quãng thời gian đầu chi tiền đánh bóng thương hiệu, các ông chủ sẽ chi tiêu dè xẻn trong bối cảnh bóng đá chưa thu lại nhiều lợi nhuận. Không chỉ chi tiêu dè xẻn, có những ông chủ đã bỏ của chạy lấy người, sau thời kỳ hào hứng đầu tư ồ ạt vào các CLB. Hòa Phát làm bóng đá gần chục năm, sau giải 2011 đã cho không “bầu” Kiên cả đội và suất đá V-League. Trước Hòa Phát là Tôn Hoa Sen, Ngân hàng Đông Á, Thép Việt Úc, Sông Đà… đều bỏ bóng đá chỉ sau thời gian ngắn.
Duy Quang, Mạnh Tú hay Như Thành là điển hình cho sự khó khăn của cầu thủ nội ở thời buổi các ông chủ không còn vung tay quá trán. V-League 2012 sắp hạ màn – thời điểm mà hàng loạt cầu thủ sẽ hết hợp đồng. Chưa thấy CLB nào săn lùng cầu thủ mới. Sông Lam Nghệ An, Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng – những đội bóng có hàng chục cầu thủ sắp hết hạn hợp đồng vẫn ung dung chờ cầu thủ đề nghị ký tiếp mà chẳng lo mất quân.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.