Nông dân Cai Lậy ồ ạt chuyển đổi đất lúa sang mục đích canh tác khác
(THTG) Chưa bao giờ phong trào nông dân “tự quy hoạch cơ cấu cây, con giống” để phát triển sản xuất trên diện tích đất lúa ở huyện Cai Lậy lại ồ ạt như hiện nay.
Nông dân Cai Lậy lên liếp trồng cây ăn trái…
… và mít Thái siêu sớm là loại cây ăn trái được trồng nhiều nhất. Ảnh: Hùng Huy
Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, đến đầu tháng 4/2019, nông dân 6 xã phía Bắc Quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy gồm: Phú Cường, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam, Phú Nhuận, Bình Phú đã tự phát chuyển đổi hơn 557 hecta đất lúa sang mục đích canh tác khác. Cụ thể, diện tích đất trồng lúa chuyển sang trồng cây ăn trái là trên 404 hecta; diện tích đất trồng lúa chuyển sang đào ao nuôi cá là trên 153 hecta. Nguyên nhân được xác định là do nông dân nhận thấy giá mít thái, sầu riêng và cá giống thời gian qua luôn ở mức cao hơn rất nhiều so với trồng lúa, đồng thời nông dân lại hay gặp phải cảnh “được mùa mất giá” vào các đợt thu hoạch lúa, do đó nông dân đã tự phát chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo ngành chức năng của huyện, các xã phía Bắc quốc lộ 1 của huyện thuộc tiểu vùng Ib, do đặc điểm là vùng đồng lũ, chịu ảnh hưởng của phèn và lũ hàng năm, nên việc trồng cây ăn trái không được khuyến cáo; trong khi đó, các xã phía Nam quốc lộ 1 của huyện thuộc tiểu vùng Ia với các đặc điểm về đất đai, thổ nhưỡng ưu tiên bố trí vùng trồng cây ăn trái.
Mặc dù đây là vùng đất được khuyến cáo không nên trồng cây ăn trái, nhưng người dân vẫn ồ ạt trồng mít Thái
Trước tình hình này, giải pháp trước mắt của huyện Cai Lậy là sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất theo quy hoạch vùng, đồng thời khuyến cáo người dân không nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên nền đất lúa một cách ồ ạt theo kiểu “phong trào”, vì về lâu dài sẽ phá vỡ quy luật cung – cầu trong sản xuất và lưu thông hàng hóa. Sau đó, huyện sẽ tổng hợp báo cáo về tỉnh cho chủ trương định hướng phát triển sản xuất trên địa bàn huyện trong thời gian tới.
Không chỉ ở huyện Cai Lậy, trong 02 năm qua, nông dân ở huyện Cái Bè đã trồng hơn 1.700 hecta mít Thái. Việc tăng diện tích ồ ạt như vậy có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, dội hàng rớt giá như đã từng xảy xảy ra trong thời gian vừa qua.
Than h Tùng
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.