Nông dân phía Đông xuống giống lúa thu đông 2018
(THTG) Sau khi thu hoạch thắng lợi vụ lúa hè thu 2018, với mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, những ngày qua, nông dân các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, hối hả xuống giống vụ lúa thu đông 2018 để kịp lịch thời vụ cho sản xuất vụ lúa quan trọng nhất trong năm là vụ đông xuân kế tiếp.
Mặc dù thời gian ngắt vụ giữa hai vụ mùa: hè thu và thu đông ngắn, thế nhưng, nông dân các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công vẫn có sự chuẩn bị chu đáo về giống, vệ sinh đồng ruộng, làm đất thật kỹ trước khi xuống giống lúa thu đông để cây lúa ở giai đoạn đầu vụ sinh trưởng, phát triển tốt, làm tiền đề thuận lợi cho các giai đoạn tiếp theo. Đến thời điểm này, toàn vùng đã xuống giống dứt điểm gần 24.000 ha lúa thu đông, đạt 100% kế hoạch, trà lúa từ 10 đến 20 ngày tuổi. Phần lớn diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao và ngắn ngày để thu hoạch sớm, bảo đảm lịch thời vụ xuống giống lúa đông xuân 2018-2019, trong đó giống Nàng Hoa 9 và VD 20 giữ vai trò chủ lực. So với vụ hè thu thì nguồn nước sản xuất vụ thu đông khó khăn hơn do đầu vụ thường xuyên gặp nắng nóng, lại thêm phèn mặn còn tồn đọng nhiều trong đất có thể ảnh hưởng đến cây lúa.
Nông dân phía Đông xuống giống vụ lúa thu đông 2018. Ảnh: Bá Thủy
Theo dự báo của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, do thời tiết ở vụ thu đông diễn biến phức tạp nên nhiều khả năng sẽ có rầy nâu và các loại dịch hại khác phát sinh, phát triển, tấn công cây lúa ở giai đoạn mạ non. Mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang là năng suất vụ lúa thu đông này sẽ đạt khoảng 5 tấn/ha. Cùng với việc phòng trừ hiệu quả sâu bệnh, dịch hại trên lúa, nông dân cần mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác như: 3 giảm – 3 tăng, 1 phải -5 giảm gắn với công nghệ sinh thái, tiết kiệm nước, bón phân thông minh,…trong đó mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để giảm công lao động thủ công, giảm giá thành, tăng lợi nhuận sản xuất.
Do đặc điểm thời tiết sản xuất vụ lúa thu đông không thuận lợi, nhất là đầu vụ nắng nóng và cuối vụ thường xuyên gặp mưa bão nên ngành bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang tăng cường công tác dự báo sâu bệnh dịch hại, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, đồng thời ngành thủy lợi phối hợp với các địa phương khai thông dòng chảy, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng,…để đạt tổng sản lượng 122 ngàn tấn lúa theo kế hoạch đã đề ra./
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.