“Nữ chủ” trại rắn lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long
Lần đầu tiếp xúc, tôi cứ đinh ninh chị là người phụ nữ Nam Bộ “rặt ròng”. Có lúc thân tình, tôi buột miệng hỏi chị có sợ… rắn không? Chị cười rất hồn nhiên: “Sợ chớ, hồi nhỏ ở rừng chị sợ rắn lắm, thấy con nào chị cũng vác cây dọa chúng bỏ chạy. Không làm vậy, gặp phải rắn độc nó cắn mình chết sao. Nhưng bây giờ thì chị… thương!”. Tôi cũng bật cười và nghĩ thầm, làm Giám đốc trại rắn lớn thế này, chị không “thương” rắn thì ai… thương. Chị là Đại tá, Dược sĩ Trần Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu (Trại rắn Đồng Tâm) Quân khu 9.
Đại tá, Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm Trần Thị Hà. |
Tuổi thơ ở rừng
Sau này tôi mới được biết chị Hà có lý lịch xuất thân đặc biệt: Quê nội ở tỉnh Nam Định, quê ngoại thuộc Hưng Yên, nhưng chị sinh ra và lớn lên ở Pnôm Pênh, nước bạn Campuchia. Gia đình chị vốn là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng. Đầu năm 1970, tại Campuchia xảy ra sự kiện Lon Nol tổ chức đảo chính, lật đổ Hoàng thân Norodom Sihanuok, thành lập chính phủ thân phương Tây, tiến hành nhiều hoạt động đàn áp phong trào cách mạng.
“Năm đó tôi mới 12 tuổi, cũng như bao đứa trẻ Việt kiều khác, phải bỏ dở việc học nơi xứ người. Gia đình tôi được tổ chức thu xếp đưa về nước. Đến địa phận huyện Paemchor, tỉnh Preyveng của Campuchia, nơi giáp với vùng chiến khu của ta, chúng tôi được các lực lượng thuộc Quân giải phóng miền Nam bao bọc. Tôi chính thức tham gia bộ đội từ đó, ban đầu làm dược công (phụ dược) cho Đội dược K15T thuộc Xưởng dược X9 khu Trung Nam Bộ (Quân khu 8).
Như một cuộc hội ngộ được sắp đặt, lúc ấy Đội dược bỗng dưng có hơn 1 tiểu đội chiến sĩ tí hon, tuổi từ 12 đến 15. Chúng tôi đều từ Pnom Penh trở về, hỏi ra mới biết tất cả học cùng trường nhưng khác lớp, đều là con em các cơ sở hoạt động bí mật. Chúng tôi quyết ở lại chiến khu, tham gia sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không đứa nào muốn “hồi hương” sống dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Nhiều đứa viết huyết tâm thư, đề đạt nguyện vọng trực tiếp cầm súng ra trận tham gia chiến đấu, mặc dù chưa biết mặt mũi cây súng nó ra làm sao. Các anh, các chú ở chiến khu cười bảo: Tụi bây được học Pháp văn từ nhỏ, công tác ở ngành dược phù hợp rồi, cũng là tiếp nối con đường mà cha ông đã chọn!” - Chị Hà nhớ lại.
Đại tá Lê Thị Hồng Thủy (nguyên Chủ nhiệm Khoa Dược, Bệnh viện 7A Quân khu 7) ở cùng tiểu đội với chị Hà lúc ấy cười bảo: “Thật ra với suy nghĩ non nớt ban đầu, cùng sự ảnh hưởng của môi trường giáo dục, sinh hoạt nơi đất khách, chúng tôi không hiểu lắm về lòng tự hào dân tộc. Chúng tôi chỉ cảm nhận mơ hồ về quê hương Việt Nam đang bị chia cắt, xâm lăng của Mỹ - ngụy, sự tàn ác của chúng đối với đồng bào mình qua những câu chuyện mà các cô, các chú hoạt động bí mật trao đổi với nhau. Bắt đầu cuộc đời bộ đội ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chúng tôi phải học nghe tiếng pháo đề-pa, pháo bay gần, bay xa để biết có nên chui vào công sự hay không. Học nghe tiếng máy bay để biết phân biệt đâu là trực thăng, đâu là máy bay do thám, máy bay oanh kích, máy bay đổ quân. Học lặn nước kiểu “chém vè”, học lao động cuốc đất tăng gia sản xuất đến chai cả hai bàn tay, học cách dựng nhà, lợp mái lá, rồi hành quân mang vác nặng, thồ lương thực, thuốc men… làm tất cả mọi việc như người lớn thực thụ. Phải nói lúc đó chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để luôn được bằng anh, bằng chị. Song bố mẹ đang công tác ở nơi khác không tin tưởng lắm vào khả năng của chúng tôi, bố mẹ thường viết thư dặn dò, nhắc nhở phải biết phát huy truyền thống gia đình, vượt mọi khó khăn, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”.
Đầu năm 1975, chị Hà được theo chân đoàn quân trở về vùng Đồng Tháp Mười. Niềm tự hào lớn nhất của chị là được tham gia cứu thương, tải đạn, vận chuyển thuốc men phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Bén duyên” với… rắn
Tiền thân của Trại rắn Đồng Tâm hôm nay là Xí nghiệp dược 408 Quân khu 9, được thành lập cuối tháng 10 năm 1979 trên vùng đất ngổn ngang dây kẽm gai, trái nổ do quân đội ngụy Sài Gòn để lại. Theo quyết định của Bộ Quốc phòng, năm 1988, Xí nghiệp dược 408 được nâng cấp thành Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9.
Người có công sáng lập, tập trung hết tâm sức vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Trại rắn là Đại tá Trần Văn Dược (Tư Dược, 1929 - 1989). Trong dân gian miền Tây Nam Bộ, cuộc đời và sự nghiệp của ông Tư Dược đã ít nhiều nhuốm màu huyền thoại.
Đại tá Trần Thị Hà cho biết, từ lúc còn là nhân viên cho đến khi đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Dược, Bệnh viện 120 Quân khu 9, chị luôn hâm mộ nhân cách và tinh thần hết lòng vì công việc của “chú Tư”. Năm 2009, cầm quyết định điều động về làm Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, chị Hà vẫn còn bỡ ngỡ. Đến mình là người thứ tư được cấp trên phân công lãnh đạo trại rắn này. Mình hiểu các chú, các anh cùng bao cán bộ, chiến sĩ đã đầu tư nhiều công sức xây dựng mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay, là người kế thừa nên mình thật sự rất lo âu, trăn trở.
Mỗi năm, Trại rắn Đồng Tâm thu dung điều trị khoảng 1 nghìn trường hợp không may bị rắn cắn, riêng năm 2011 lên đến 1.157 trường hợp, trong đó tỉ lệ bị rắn độc cắn gần 60%. Đội ngũ y, bác sĩ luôn niêu cao tinh thần trách nhiệm trong cấp cứu, điều trị, chăm sóc nạn nhân, tỉ lệ điều trị thành công là 100%, với phương châm làm việc được thể hiện bằng khẩu hiệu trực quan ngắn gọn: “Đến niềm nở tiếp đón, ở tận tình chăm sóc, đi ân cần dặn dò”.
Chị Ngô Thị Thu ở xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây xúc động kể: “Trong một lần đi cắt lúa mướn, tôi bị rắn hổ đất cắn vào chân, đau nhức không chịu nổi. Không dám đi bệnh viện vì gia đình quá nghèo, được các anh bộ đội chỉ dẫn nên tôi vào đây, nằm viện trên 30 ngày. Qua xác minh, tìm hiểu, chị Hà thường xuyên động viên tôi cứ an tâm điều trị, sẽ không phải trả bất cứ lệ phí nào”.
Theo Đại tá Trần Thị Hà, một ca điều trị rắn độc cắn như trường hợp chị Thu, chi phí từ 30 đến 50 triệu đồng. Nhưng cấp ủy, Ban Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm đã có chủ trương không thu tiền viện phí đối với người nghèo. Hàng năm, Trại rắn miễn tiền khám, điều trị cho người nghèo gần 300 triệu đồng.
Hiện nay, Đại tá Trần Thị Hà đang trực tiếp chỉ đạo triển khai, áp dụng đề tài nghiên cứu khoa học “Khai thác và phát triển nguồn gen hai loại rắn hổ mang đất, hổ mang chúa làm nguyên liệu sản xuất thuốc”, đồng thời thực hiện dự án bảo tồn nguồn gen rắn hổ hèo. Mỗi năm, Trại rắn đón tiếp trên 130 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm.
Những năm qua, đời sống của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, lao động hợp đồng tại Trại rắn Đồng Tâm được chăm lo chu đáo. Đơn vị trích quỹ phúc lợi đưa vào bữa ăn trưa của mỗi người 15.000 đồng/ngày và tăng thêm 10% phụ cấp công vụ (ngoài tiêu chuẩn quy định của Nhà nước).
Mặc dù thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, giá cả thị trường luôn biến động, nguyên vật liệu ngày càng khan hiếm… nhưng sản phẩm của Trại rắn Đồng Tâm luôn bảo đảm chất lượng, số lượng ngày càng tăng và giữ vững uy tín với khách hàng. Thành tích đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới đã được Đại tá Trần Thị Hà cùng tập thể Trại rắn Đồng Tâm kế thừa, phát huy tương xứng, có hiệu quả.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.