Nước Úc khốn đốn trong thảm họa cháy rừng, đã có 7 người chết
Điều kiện thời tiết bất lợi ở Úc được dự báo tiếp diễn vào cuối tuần này khiến các đám cháy rừng có nguy cơ lan rộng ở bang New South Wales; đã có 7 người thiệt mạng trong gần 2 ngày qua
Hàng ngàn người phải hủy kỳ nghỉ và đang rời khỏi khu vực rộng lớn kéo dài 260 km ở bờ biển bang New South Wales trước ngày 4-1. Các cuộc sơ tán mới nhất ở bờ biển phía Nam bang New South Wales được xem là cuộc sơ tán lớn nhất tại khu vực này từ trước đến nay.
Theo đài BBC, nhiều hàng dài xe hơi kẹt cứng trên đường cao tốc hướng về TP Sydney và Canberra. Các vụ hỏa hoạn trong tuần này đã phá hủy ít nhất 381 ngôi nhà ở New South Wales và 43 căn nhà ở bang Victoria nhưng cơ quan chức năng cho rằng con số này còn tiếp tục tăng lên.
Ngoài ra, 2 khu vực ở Tây Úc cũng đối mặt mối đe dọa cháy rừng và nhiều nơi khác của bang Nam Úc được dự báo chứng kiến điều kiện thời tiết cực đoan trong ngày 3-1. Theo đài ABC (Úc), do ảnh hưởng cháy rừng, tuyến đường cao tốc dài 330 km ở Tây Úc buộc phải đóng cửa, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
Khói bụi do cháy rừng gây ra đã khiến chất lượng không khí của thủ đô Canberra bị đánh giá tệ nhất thế giới hôm 2-1, theo Tổ chức Đo chất lượng không khí thế giới AirVisual (Thụy Sĩ). Phó ủy viên Sở Cứu hỏa Nông thôn bang New South Wales, ông Rob Rogers, cảnh báo tình trạng cháy rừng vào ngày 4-1 sẽ còn tệ hơn những gì nước Úc đã chứng kiến trong tuần này.
Lực lượng cứu hộ nỗ lực dập tắt các đám cháy rừng ở bang New South Wales – Úc Ảnh: Sky News
Thủ tướng Morrison cho hay Ủy ban An ninh quốc gia sẽ họp khẩn cấp vào ngày 6-1 để thảo luận biện pháp đối phó thảm họa cháy rừng hiện nay. Trước khủng hoảng cháy rừng tại Úc, nhiều chính trị gia và nhà hoạt động vì môi trường trên toàn cầu cho rằng thảm họa là hồi chuông cảnh báo về tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu.
Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi khói từ các đám cháy ở Úc đã vượt 2.000 km đến nước láng giềng New Zealand. Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói mù đã bay từ khu vực bờ biển Úc qua biển Tasman đến New Zealand. Khói có mùi cay nồng cũng đã xuất hiện ở Đảo Bắc hôm 2-1. Bà Ena Hutchinson, cư dân ở TP Auckland, cho hay cách đây 10 năm khi các trận cháy rừng xảy ra ở Úc, New Zealand cũng từng chứng kiến khói mù nhưng chưa bao giờ tệ như lần này.
Cần hành động cấp thiết
Anh Danny Lê, người gốc Việt đang làm quản lý kinh doanh tại Công ty Amadeus ở TP Sydney – Úc, cho biết tình trạng cháy rừng ở Úc kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay do ảnh hưởng nhiệt độ cao, hạn hán và gió to. Những ngày cuối năm 2019, anh Danny nhận thấy khói mù xuất hiện nhiều ở khu vực anh sinh sống dù cách xa khu vực bờ biển phía Nam bang New South Wales, nơi người dân đang được sơ tán, khoảng 300 km.
Theo anh Danny, chính quyền TP Sydney khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và đeo khẩu trang khi ra đường để tránh khói bụi. Bản thân anh Danny và những người dân trong khu vực cũng nhiệt tình đóng góp, ủng hộ nhu yếu phẩm cho những người bị ảnh hưởng trong khi lực lượng cứu hỏa ở bang New South Wales hy sinh những ngày nghỉ lễ vừa qua để tham gia nỗ lực chữa cháy.
Anh Danny cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu được cảm nhận rõ ràng trong năm 2019 vừa qua, điển hình là cháy rừng nghiêm trọng ở Úc và đã đến lúc cần có những hành động cấp bách chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.