Ông Lê Hồng Quang – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Tiền Giang được bổ nhiệm Phó Chánh án TAND tối cao

Chiều 21/6, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức lễ công bố và trao Quyết định của Chủ tịch nước cho các cá nhân được Chủ tịch nước bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án TANDTC và chức danh Thẩm phán TANDTC.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Quyết định bổ nhiệm Phó Chánh án, Thẩm phán TANDTC. Ảnh: TTXVN

Dự lễ công bố và trao quyết định có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Trí Tuệ, Thẩm phán TANDTC, giữ chức vụ Phó Chánh án TANDTC. Bổ nhiệm ông Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang, vào chức danh Thẩm phán TANDTC, giữ chức vụ Phó Chánh án TANDTC. Bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tiến, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, vào chức danh Thẩm phán TANDTC.

Phát biểu chúc mừng và giao nhiệm vụ cho các Phó Chánh án, Thẩm phán TANDTC mới được bổ nhiệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, tòa án là cơ quan duy nhất được nhân danh Nhà nước để đưa ra những quyết định, phán xét về hành vi của một người bị truy tố trước tòa án là có tội hay không có tội và được quyền áp dụng hình phạt theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi phạm tội. Trong các lĩnh vực xét xử khác như dân sự, kinh tế, hành chính, lao động…, phán quyết của tòa án có ảnh hưởng trực tiếp đối với quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và những người tham gia tố tụng.

Để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, mang lại niềm tin trong nhân dân, đòi hỏi tòa án nhân dân, mà hình ảnh thể hiện tập trung nhất là người thẩm phán, phải được nhân dân tôn trọng, là chỗ dựa vững chắc khi có việc yêu cầu tòa án giải quyết. Bất kỳ sai sót nào của thẩm phán trong công tác xét xử cũng làm tổn hại đến uy danh của tòa án và suy rộng ra đó là uy danh của Nhà nước. Do vậy, thẩm phán phải luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, trong cuộc sống trước nhân dân.

Đối với Thẩm phán TANDTC, cùng với chức năng nhiệm vụ, các thẩm phán còn phải thể hiện cho được vị trí, vai trò, bản lĩnh với tư cách là thành viên của cơ quan xét xử cao nhất.

Chủ tịch nước lưu ý, tòa án là nơi thể hiện sâu sắc nhất bản chất tốt đẹp của chế độ, là biểu tượng của nền công lý nước nhà, có chức năng bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, là tòa án của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân phục vụ. Vì vậy, yêu cầu hàng đầu là phải thực hiện đúng pháp luật. Công tác xét xử không cho phép chủ quan dẫn đến những quyết định, phán quyết không đúng pháp luật, không hợp lòng dân. Muốn vậy, phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không thiên lệch, hết mực công tâm, không vì lợi ích riêng tư để có những phán quyết thấu tình đạt lý.

Chủ tịch nước đề nghị các thẩm phán phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp; phải nhìn nhận, đánh giá lại mình, nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình, vượt qua cám dỗ của mặt trái kinh tế thị trường, không để phần tử xấu mua chuộc, trong mọi hoàn cảnh luôn xứng đáng với vị thế cao cả của người thẩm phán.

Cùng với đó phải thường xuyên học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử và kiến thức xã hội, đề cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, kiên định bản lĩnh chính trị vững vàng, góp phần xây dựng hình ảnh cao đẹp của người thẩm phán trong lòng nhân dân.

Nguồn Chính phủ