Ông Putin và lời hứa 6 năm
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7-5 tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4, đặt mục tiêu chính là cải thiện kinh tế giữa lúc quan hệ với phương Tây tiếp tục căng thẳng vì một loạt vấn đề, từ tình hình Ukraine cho đến cuộc xung đột Syria.
Tập trung vào người dân
Phát biểu tại lễ nhậm chức, ông chủ Điện Kremlin cam kết “sẽ cố gắng hết sức để mang lại sự thịnh vượng” cho người dân trong lúc hứa hẹn về “những đột phá kinh tế và công nghệ” và việc khôi phục các giá trị gia đình. Theo tờ Moscow Times, phần lớn bài diễn văn của ông Putin tập trung vào việc Moscow cần phải theo kịp những thay đổi ngày một nhanh chóng mà thế giới đang chứng kiến.
“Nước Nga cần phải hiện đại và năng động” – nhà lãnh đạo 65 tuổi khẳng định quốc gia này sẽ chứng tỏ sức mạnh trên trường quốc tế trong 6 năm tới với sự hỗ trợ của một quân đội hùng mạnh.
Nội các do Thủ tướng Dmitry Medvedev đứng đầu đã từ chức sau khi ông Putin nhậm chức nhưng các thành viên vẫn tiếp tục công việc cho đến khi nội các mới được thành lập. Đề xuất lên Duma quốc gia (Hạ viện), ông chủ Điện Kremlin đã chọn ông Medvedev làm ứng viên thủ tướng. Reuters nhận định lựa chọn này phản ánh ông Putin muốn duy trì tính liên tục về chính sách.
Phát biểu với các thành viên chính phủ một ngày trước lễ nhậm chức, ông Putin nhấn mạnh tăng thu nhập thật sự của người dân sẽ là nhiệm vụ chính của giới lãnh đạo đất nước trong những năm tới. Trước đó, nhà lãnh đạo này đã đề cập một loạt mục tiêu đối nội trong nhiệm kỳ 6 năm sắp tới, như giảm tỉ lệ nghèo, hiện đại hóa hạ tầng, cải thiện chăm sóc sức khỏe và tăng tuổi thọ, thúc đẩy công nghệ để thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện các tiêu chuẩn sống.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ nhậm chức hôm 7-5 Ảnh: REUTERS
Tiếp tục cứng rắn với phương Tây
Nga vẫn đang chống chọi với tác động của các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt, liên quan đến vai trò của Moscow trong cuộc xung đột Ukraine và cáo buộc can thiệp vào chính trường Mỹ. Những dấu hiệu ổn định của nền kinh tế Nga, một phần nhờ giá dầu hồi phục, có nguy cơ đối mặt không ít thách thức từ những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ gần đây.
Ông Stefan Meister, chuyên gia của Hội đồng quan hệ đối ngoại (Đức), dự báo với đài DW rằng tình hình kinh tế ở Nga trong những năm tới sẽ khó khăn hơn, ảnh hưởng đến ngân sách dành cho lương hưu, phúc lợi xã hội và thậm chí là quân đội. Theo ông Meister, chính sách đối nội sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiệm kỳ thứ 4 của ông Putin.
Trang Bloomerg dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết ông Putin đang cân nhắc bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin vào một vị trí mới để dẫn đầu nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế. Là nhân vật nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới đầu tư vì những cải tổ thân thiện với thị trường khi còn tại vị, ông Kudrin được kỳ vọng có thể giúp khôi phục mối liên hệ kinh tế giữa Nga và Mỹ, châu Âu dù hiệu quả đến đâu vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Ngay cả khi không muốn căng thẳng địa chính trị gia tăng, Nga vẫn chưa sẵn sàng có lập trường mềm mỏng hơn trong cuộc đối đầu với phương Tây – theo giới chức chính phủ và Điện Kremlin. Phép thử đầu tiên sẽ đến vào giữa tháng 5 khi quốc hội Nga xem xét các biện pháp nhằm vào doanh nghiệp Mỹ để trả đũa các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ.
Ông Andrei Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, nhận định Moscow sẽ đối mặt những tác động tiêu cực về kinh tế và chính trị khi leo thang căng thẳng với phương Tây nhưng nước này hiện chưa sẵn sàng làm bất kỳ điều gì bị xem là nhượng bộ từ một phía.
Tổng thống Putin đề xuất ông Medvedev làm thủ tướng
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7-5 đề xuất cho ông Dmitry Medvedev làm thủ tướng, Điện Kremlin cho biết trên trang web chính thức.
Đề cử của Tổng thống Putin vẫn phải chờ đợi sự chấp thuận của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga).Trước lễ nhậm chức tổng thống lần thứ tư của ông Putin hôm 7-5, ông Medvedev cùng dàn nội các cũ đã từ chức theo đúng quy định hiến pháp. Và không lâu sau khi tuyên thệ, Tổng thống Putin lập tức đề cử ông Medvedev tiếp tục đứng đầu nội các mới.
Tổng thống Putin (trái) bắt tay ông Medvedev tại lễ nhậm chức hôm 7-5. Ảnh: Sputnik
Ông Medvedev là thủ tướng Nga từ năm 2012, trước đó ông được bầu làm tổng thống nước này từ năm 2008-2012 (khoảng thời gian mà ông Putin làm thủ tướng).
Trong bài phát biểu trước nội các cũ hôm 6-5, ông Putin cảm ơn tất cả các thành viên nội các, các quan chức chính phủ về những kết quả đạt được trong việc giải quyết những thách thức mà Nga đối mặt. “Nội các đã hoàn thành tốt công việc như một đội thực sự, cảm ơn Thủ tướng Dmitry Medvedev” – tuyên bố của Điện Kremlin hôm 7-5 dẫn lời ông Putin cho biết.
Ngoài ông Medvedev, nhiều quan chức gắn bó với ông Putin lâu nay có thể tiếp tục ở lại. Trong số đó phải kể đến ông Sergei Shoigu, bộ trưởng quốc phòng Nga từ năm 2012-2018. Ông Shoigu đứng sau tiến trình hiện đại hóa quân đội Nga và gắn liền với chiến dịch quân sự Nga tại Syria.
Tiếp theo là ông Sergei Lavrov, người giữ chức bộ trưởng ngoại giao từ năm 2004 đến năm 2018. Theo đường lối cứng rắn, ông Lavrov bảo vệ không mệt mỏi vị thế của Nga trên thế giới.
Nhiệm kỳ mới của ông Putin có thể đánh dấu sự trở lại ông Alexei Kudrin, cựu bộ trưởng tài chính từ năm 2000 đến 2011. Năm nay, ông Kudrin là cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Putin. Người ta cho rằng nếu quay lại, ông Kudrin sẽ dẫn đầu nỗ lực cải cách kinh tế và hàn gắn với phương Tây trên phương diện này.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.