Oscar 2019 bất ngờ phút chót, vinh danh “Green Book” gây nhiều tranh cãi
Lễ trao giải điện ảnh Oscar lần thứ 91 đã khép lại với chiến thắng dành cho “Green Book” ở hạng mục “Phim truyện xuất sắc nhất” với nhiều tranh cãi.
Xuyên suốt 90 năm lịch sử, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ từng không ít lần đưa ra những cái tên chiến thắng bị công chúng cho là ít xứng đáng hơn những đề cử trong cùng hạng mục. Giải thưởng Oscar lần thứ 91 năm nay cũng không phải ngoại lệ.
Bộ phim “Green Book” của đạo diễn Peter Farrelly giành giải Oscar 2019 cho hạng mục “Phim truyện xuất sắc nhất”. |
Được tôn vinh tại giải của Hiệp hội Sản xuất năm nay và giành ba giải Quả cầu vàng nhưng kết quả này vẫn được đánh giá là tương đối bất ngờ đối với công chúng và giới chuyên môn, đặc biệt đối với các đề cử cùng hạng mục. Quyết định của Viện Hàn Lâm đang hứng chịu hàng loạt ý kiến không đồng tình từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả.
Theo tạp chí Variety, đạo diễn của bộ phim cũng lên án về nạn phân biệt chủng tộc “BlacKkKlansman”, Spike Lee đã tỏ ra không phục trước chiến thắng của “Green Book”. Ông đã phát biểu ở hậu trường ngay sau đó rằng: “Cứ lần nào ai đó chở ai đó, tôi lại thua. Tôi nghĩ Viện hàn lâm đã đưa ra một kết quả sai lầm”. Nhà làm phim muốn nhắc lại chuyện “Do the Right Thing” của ông thua giải về kịch bản trước “Driving Miss Daisy” tại Oscar 1990 ( bộ phim được cho là phiên bản ngược của “Green Book”).
Cú nước rút ngoạn mục của “Green Book” vào phút chót trước sự ngỡ ngàng của toàn bộ giới quan sát đã gây ra nhiều tiếc nuối cho bộ phim đen trắng “Roma” của đạo diễn lừng danh người Mexico Alfonso Cuarón được đánh giá là ứng cử viên số một trước giờ trao giải, nhất là sau khi bộ phim Mexico ẵm giải tại BAFTA và Critics’ Choice Award.
Trong một năm có khá nhiều bộ phim đề tài người da màu, câu chuyện nhẹ nhàng pha chút châm biếm của “Green Book” được đánh giá không đủ thuyết phục với vị trí số một cho hạng mục “Phim truyện xuất sắc nhất” tại Oscar.
“Green Book” dựa trên câu chuyện có thật về chuyến đi “khám phá” nỗi đau phân biệt chúng tộc ở nước Mỹ của hai nhân vật là Don Shirley (Mahershala Ali đóng) và Frank Tony Vallelonga (Viggo Mortensen) được kể qua ngòi bút của chính cậu con trai nhà Vallelonga.
Don Shirley không chỉ là thiên tài piano cổ điển từng được đào tạo ở tận Liên Xô xa xôi, mà còn sở hữu tấm bằng tiến sĩ tâm lý học và nói thành thạo rất nhiều thứ tiếng. Tài năng và danh tiếng giúp Don Shirley có một cuộc sống đáng mơ ước trong căn hộ xa hoa nằm ngay phía trên Thính phòng Carnegie nổi tiếng.
Nhưng tài hoa đến đâu, giàu sang đến mấy, Don Shirley vẫn phải chấp nhận một sự thật rằng làn da màu đen của bản thân vẫn khiến mình trở thành nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Vì thế ông quyết định lên đường cùng hai nghệ sĩ da trắng khác trong nhóm tam tấu của mình là Oleg (Dimeter Marinov) và George (Mike Hatton) để thực hiện chuyến lưu diễn xuyên qua các bang miền Nam nước Mỹ.
Để chuẩn bị cho tour diễn, Don thuê Frank “Tony Lip” Vallelonga – một bảo vệ quán bar đang thất nghiệp làm tài xế kiêm vệ sĩ. Ban đầu, sự khác biệt về tầng lớp xã hội và màu da tạo khoảng cách giữa Don và Tony nhưng họ dần gắn bó và vượt qua được những tình huống éo le tại miền Nam nước Mỹ.
Bộ phim không chỉ khắc hoạ một góc nhìn đau đáu về nạn phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ hồi thập niên 1960 mà còn góp thêm tiếng nói mới, kêu gọi sự bình đẳng sắc tộc |
Qua từng chặng biểu diễn của Don Shirley, đi sâu từng dặm vào trong lòng miền Nam nước Mỹ, Tony và Shirley nhận ra rằng ngay giữa nước Mỹ hiện đại, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn hiện hữu một cách nặng nề. với đạo luật Jim Crow vẫn còn ăn sâu vào lối sống của người dân miền Nam nước Mỹ.
Đạo luật này quy định những phép tắc hà khắc nhắm vào người da đen như không được ăn, ở chung hay dùng chung nhà vệ sinh với người da trắng. Tựa phim bắt nguồn từ “The Negro Motorist Green Book“ – một quyển sách phổ biến trong thời kỳ này, liệt kê các quán ăn và nhà trọ chấp nhận người da đen. Cuốn sách hướng dẫn là vật đồng hành trên chuyến đi của Don và Tony. Bộ phim không chỉ khắc hoạ một góc nhìn đau đáu về nạn phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ hồi thập niên 1960 mà còn góp thêm tiếng nói mới, kêu gọi sự bình đẳng sắc tộc.
Dù chứa đựng đề tài khá nặng nhưng “Green Book” vẫn dễ xem và lôi cuốn bởi sự tương tác dẫn đến chuyển biến trong tâm lý và tính cách của nhân vật. Đây cũng là điểm sáng của bộ phim khi khắc hoạ tính cách của hai nhân vật chính một cách tài tình do Viggo Mortensen và Mahershala Ali thủ vai. Ali đã thể hiện xuất sắc tâm lý của một người nghệ sĩ dương cầm luôn toát lên vẻ đạo mạo, trầm mặc, nhưng vẫn có những khoảnh khắc bật ra những cảm xúc không thể kìm nén. Chính vai diễn Dr Shirley đã mang lại cho nam diễn viên da màu tượng vàng Oscar cho đề cử “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất”.
Cách sắp đặt tình huống với nhiều chi tiết hài hước, bi kịch được khắc hoạ vừa phải cũng là điểm cộng của bộ phim. Tuy nhiên là bộ phim tâm lý đầu tay nên đạo diễn Peter Farrellycòn khá gượng ép và lộ liễu khi truyền tải thông điệp về bình đẳng sắc tộc. Thay vì những hình ảnh ẩn dụ mang tính gợi mở cao thì đa phần chi tiết hay câu thoại mang tính biểu tượng trong “Green Book” đều được lồng ghép một cách khá vụng về. Chính vì thế bộ phim càng về cuối càng dễ đoán, cốt truyện an toàn khiến tác phẩm thiếu đi sự mới mẻ và bứt phá so với tác phẩm được gợi nhắc là “Driving Miss Daisy”(1989) trước đây.
Cho tới trước đêm trao giải Oscar lần thứ 91, “Green Book” vấp phải không ít tranh cãi. Trước đó, “Green Book” cũng gây xôn xao về sự sai lệch tình tiết với đời thật. Do thiếu tham khảo thông tin, bộ phim đã gặp ý kiến trái chiều từ chính người thân của Don Shirley. Họ cho rằng tác phẩm cường điệu hóa sự lạnh nhạt giữa nghệ sĩ và gia đình ông, cũng như khắc họa tình bạn giữa Don và Tony thân thiết hơn ngoài đời. Nam diễn viên Mahershala Ali đã từng phải xin lỗi anh trai và cháu trai của nghệ sĩ quá cố vì những điểm không đúng sự thật của phim.
Hơn nữa trong những năm gần đây, khi phong trào #MeToo nổ ra, phản đối làn sóng quấy rối tình dục trong Hollywood, rất nhiều nghệ sỹ và nhà làm phim tài năng bị tố có hành vi không đúng mực trong quá khứ. Một trong số đó là đạo diễn của “Green Book” Peter Farrelly. Nhiều người phản biện rằng Oscar là giải thưởng cho điện ảnh và chỉ có sản phẩm điện ảnh mới là quan trọng. Thế nhưng nhiều nghệ sỹ tại Hollywood lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng người giành giải thưởng này phải đảm bảo cả về tài năng lẫn đạo đức.
Dù vướng những chỉ trích và scandal của nhà sản xuất nhưng bộ phim “Green Book” nhìn chung được giới chuyên môn và khán giả đón nhận là một tác phẩm nhiều ý nghĩa, xoá bỏ đi những định kiến, những khoảng cách và quên đi sự khác biệt về màu da, đúng như lời phát biểu của đạo diễn Peter Farrelly khi nhận giải: “Đây là câu chuyện về tình yêu, về cách con người vượt qua những khác biệt để yêu thương nhau và tìm kiếm câu trả lời chúng ta là ai: Chúng ta vốn là những người giống nhau”.
Ngoài hạng mục “Phim truyện xuất sắc nhất”, tác phẩm của đạo diễn Peter Farrelly còn nhận được tượng vàng Oscar ở hạng mục “Kịch bản gốc xuất sắc”, “Nam phụ xuất sắc” (Mahershala Ali). Bộ phim cũng thu được đến 127 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất chỉ là 23 triệu USD.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.