Phai nhạt từng ngày tiếng nhạc ngũ âm
Bên cạnh các chương trình, dự án giúp đồng bào Khmer Hậu Giang phát triển kinh tế, việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống cũng được các cấp, ngành quan tâm, tuy nhiên do thiếu cán bộ, nguồn lực nên công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thưa vắng tiếng nhạc ngũ âm
Nhạc ngũ âm được xem là “linh hồn” của đồng bào dân tộc Khmer ở các lễ, hội. Tuy nhiên, những năm qua, loại hình nghệ thuật này trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì, bảo tồn.
Ông Danh Quợl – Phó Ban quản trị chùa Ôchumrứksa ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy chia sẻ: “Cách đây khoảng 7 năm, chùa được đầu tư bộ nhạc cụ ngũ âm để hỗ trợ bà con vui chơi ở các lễ hội, nhưng 5 năm qua, bộ nhạc cụ này không còn vang tiếng tại các lễ hội tổ chức ở chùa nữa, vì những người biết chơi nhạc đều đã đi làm ăn xa, bên cạnh đó một vài nhạc cụ bị hư hỏng, do đó rất khó duy trì”.
Tương tự, hơn 10 năm trước chùa Bôrâysêrâychum, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ cũng được đầu tư dàn nhạc ngũ âm, nhưng 5 năm qua, nhạc cụ này cũng không còn được dùng ở các lễ hội của đồng bào Khmer tại địa phương nữa.
Theo thống kê, tỉnh Hậu Giang có 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, nhưng chỉ 3 chùa có dàn nhạc ngũ âm và đều đã bị hư hỏng, xuống cấp; đồng thời do cuộc sống thay đổi, số người gắn bó với loại nhạc này ngày càng ít, khiến công tác bảo tồn, duy trì nhạc ngũ âm trong đồng bào dân tộc Khmer vô cùng khó khăn.
Thiếu cán bộ làm công tác dân tộc
Là địa phương có khá đông đồng bào Khmer sinh sống, nhưng ở TP.Vị Thanh có rất ít người Khmer trực tiếp phụ trách công tác dân tộc. Phòng Dân tộc TP.Vị Thanh có 5 cán bộ thì chỉ có 1 người dân tộc Khmer, lại làm thủ quỹ, những người khác thì luân chuyển ở một số ngành khác đến phụ trách. Ngoài ra, thành phố có 9 xã, phường nhưng không xã nào có cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc.
Huyện Long Mỹ cũng chỉ có 3 cán bộ là người dân tộc phụ trách công tác dân tộc của huyện, còn các xã thì không có cán bộ nào là người dân tộc.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, chính sách thu hút, đãi ngộ sinh viên, cán bộ người dân tộc về xã làm việc còn thấp, công tác cử tuyển khó khăn do học sinh trên địa bàn quá ít. Mặt khác, hệ cử tuyển tại một số ngành không đáp ứng được nhu cầu địa phương nên khi các em học xong rất khó bố trí công việc.
Ông Trần Quốc Thẻo – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang bày tỏ: “Để công tác dân tộc phát huy hiệu quả, cần xác định nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ hợp lý. Song song đó, cần phải có chính sách ưu việt và đào tạo bài bản đối với học sinh dân tộc thiểu số ngay từ cấp tiểu học”.
Nguồn http://danviet.vn/
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.