Pháp – Đức: Phần thưởng cho người dũng cảm

Kể từ đầu giải tới nay, các trận knock -out các đội luôn có sự cẩn trọng cao nhưng trong một trận đấu gần như cân bằng như này, ai tấn công trước người đó có lợi.

Trong các trận knock – out từ đầu giải tới nay, lối chơi chặt chẽ, chắc chắn và ít tính mạo hiểm đều được các đội đề cao. Chỉ khi bị dồn vào nước đường cùng thì họ mới dám chơi hết mình như những phút cuối của Hà Lan trong trận gặp Mexico. Hà Lan đã có phần thưởng với sự mạo hiểm đó bằng hai bàn thắng ở những phút cuối giúp họ đi tiếp vào tứ kết. Trong cuộc đối đầu Đức – Pháp này, vị thế cũng như phong độ của hai đội không mấy chênh lệch, kịch bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục lặp lại. Vấn đề hiện tại là, ai sẽ mạo hiểm chơi dâng cao trước, kẻ đó nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi.

Sức ép với người Đức

Ba kỳ World Cup gần đây nhất, ĐT Đức luôn giành thành tích cao và họ đều vào tới ít nhất là bán kết. Hiện tại, đội hình của ĐT Đức được đánh giá là đã chín và đồng đều nhất kể từ Euro 1996. Tuy nhiên, cái được ưu ái gọi là “thế hệ vàng” của người Đức luôn bị loại trước cửa thiên đường, đó là các thất bại trước Italia, Hà Lan và Brazil. Chính vì vậy, sức ép đặt lên vai HLV Loew và các học trò ngày một nặng  nề hơn và nếu họ chỉ dừng bước ở vòng này thật sự là một thất bại.

 

ĐT Đức nếu không lọt vào bán kết thì đó là thảm hoạ.

Sau trận thắng tưng bừng ở ngày ra quân trước Bồ Đào Nha, Đức gần như không thể hiện được sức mạnh tuyệt đối của mình cho tới thời điểm này. Thậm chí đó còn là sự thất vọng với trận hoà Ghana và phải cần tới thời gian thi đấu hiệp phụ mới đánh bại được Algeria. Đặc biệt, trong trận gặp Algeria, Mannschaft đã gặp rất nhiều khó khăn trước đối thủ chơi pressing liên tục khiến khu vực giữa sân của ĐT Đức gần như tê liệt.

Hơn nữa, do sức ép lớn từ việc buộc phải giành thành tích cao khiến người Đức không thể chơi những canh bạc tất tay. Trận thắng ĐT Mỹ là một ví dụ, người Đức chơi rất cầm chừng, chờ đợi kết quả thay vì gây sức ép để sớm định liệu ngôi đầu bảng. Đối với Algeria cũng vậy, rõ ràng Loew có thể chỉ đạo các học trò gây sức ép như những phút đầu hiệp phụ nhưng ông không làm vậy. Việc mạo hiểm này khiến khả năng để thủng lưới cao hơn và đồng nghĩa là chia tay giải đấu.

Chính vì thế trong cuộc đối đầu với Pháp, sức ép còn nặng nề hơn nữa, liệu người Đức có vượt qua được sức ép đó mà chơi phủ đầu để định đoạt trận đấu trong 90 phút?

Pháp chẳng có gì để mất

Sau thời Zidane, Pháp đã không còn giữ được vị thế của mình. Việc lọt vào VCK World Cup 2010 theo một cách xấu xí nhất khi Henry trở thành một cầu thủ bóng chuyền theo đúng nghĩa đưa Pháp lọt vào VCK. Bốn năm sau, Pháp cũng chẳng khá khẩm hơn khi họ cũng chỉ đến Brazil bằng chuyến tàu muộn sau khi vượt qua Ukraine.

 

ĐT Pháp đã có màn trình diễn chấp nhận được kể từ đầu giải.

Hơn nữa, đội hình của HLV Deschamps cũng không được kỳ vọng nhiều. Chính vì thế, khác với ĐT Đức, Pháp chơi thoải mái hơn hẳn. Không phải tự nhiên mà họ ghi tới 5 bàn vào lưới Thuỵ Sỹ hay đánh bại một đại diện châu Phi khác là Nigeria 2 – 0 chỉ trong 90 phút.

Trong trận gặp Đức này cũng vậy, công bằng mà nói, Pháp chưa thể là đối trọng đủ mạnh đối với Đức nhưng họ lại có tâm lý thoải mái hơn nhiều so với đối thủ. Màn thể hiện kể từ đầu giải tới nay của người Pháp là chấp nhận được và có bị loại đi chăng nữa cũng không mấy lời chỉ trích giáng xuống đầu đội quân của Deschamps.

Vấn đề đặt ra trước trận đấu này đó là Pháp có dám chơi mạo hiểm trước người Đức hay không hay coi mình là kẻ “chiếu dưới” để chơi phòng ngự phản công./.

Quang Trung/vov.vn