Phạt đến 50 triệu đồng nếu vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
Theo Nghị định số 66/2012/NĐ-CP ngày 6/9 vừa được Chính phủ ban hành quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng. Vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sẽ bị xử phạt nghiêm.
Ảnh minh họa. Nguồn: baohaiquan.vn
Tài sản Nhà nước được quy định tại Nghị định bao gồm: Trụ sở làm việc và tài sản khác khắn liền với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; máy móc, phương tiện, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác được giao cho các cơ quan nhà nước; tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.
Mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện và bị định chỉ kịp thời. Việc xử phạt vi phạm phải do cấp có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định, được tiến hành nhanh chóng, đúng pháp luật. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức cá nhân bị xử phạt không được sử dụng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra. Trường hợp không thuộc đối tượng bị xử phạt hành chính thì bị xử lý theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật ngân sách nhà nước, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là: cảnh cáo, phạt tiền với mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.
Về các mức xử phạt, nghị định quy định, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi biếu, tặng cho, trao đổi tài sản nhà nước không đúng quy định có giá trị dưới 100 triệu đồng. Trường hợp tài sản là xe ô tô, tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì mức phạt là 10-20 triệu đồng. Nếu tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thì mức phạt là 30-50 triệu đồng.
Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp thu hồi đối với tài sản biếu, tặng cho, trao đổi không đúng quy định; Không thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản nhà nước; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở khác phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật; kê khai không đúng danh mục, hiện trạng tài sản đề nghị xử lý với tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng; lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; tổ chức có hành vi không thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp…
Theo quy định tại Nghị định, Chủ tịch UBND các cấp và Thanh tra các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2012.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.