Phát hiện “biển vũ trụ” lơ lửng, nhiều nước gấp 3 lần Trái Đất

Ở nơi một hoặc nhiều hành tinh có thể sắp sửa ra đời, các nhà thiên văn đã tìm thấy lượng nước nhiều gấp 3 lần các đại dương Trái Đất cộng lại.

Sử dụng đài thiên văn ALMA – công cụ quan sát vô tuyến mạnh nhất thế giới đặt tại sa mạc Atacama của Chile – các nhà khoa học đã phát hiện “biển vũ trụ” khổng lồ ở nơi cách Trái Đất 450 năm ánh sáng, trong chòm sao Kim Ngưu.

Đó là một ngôi sao trẻ tuổi, bé nhỏ được bao quanh bởi một đĩa tiền hành tinh mới chỉ có dấu hiệu mờ nhạt cho thấy hành tinh đầu tiên sắp sửa ra đời gọi là HL Tauri.

Và nơi đó chứa đựng lượng hơi nước không tưởng.

Phát hiện

Đĩa tiền hành tinh HL Tauri – Ảnh: ALMA (ESO/NAOJ/NRAO)

Các ước tính cho thấy lượng nước có thể bằng thể tích của Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương và Nam Đại Dương cộng lại, nhân cho 3 lần!

Theo nhà thiên văn học Stefano Facchini từ Đại học Milan (Ý), trưởng nhóm nghiên cứu, phát hiện này cho thấy sự hiện diện của nước có thể ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của một hệ sao.

Những gì chúng ta đang nhìn vào trong chòm sao Kim Ngưu có thể là hình ảnh của Thái Dương hệ 4,5 tỉ năm trước, khi “hạt mầm” của Trái Đất cũng như các hành tinh bạn bè khác đang hình thành từ một đĩa tiền hành tinh dày đặc khí bụi.

Đặc biệt hơn, chúng ta có thể đang nhìn vào một bản sao trẻ hơn 4,5 tỉ tuổi của địa cầu.

Tóm tắt nghiên cứu trên tờ Space.com cho thấy lượng nước trong HL Tauri không phân bố đồng đều, mà dồi dào nhất ở một rãnh nhỏ trong đĩa.

Các rãnh trong một đĩa tiền hành tinh được hình thành khi ở một vị trí nào đó, khí bụi kết tụ thành một tiền hành tinh. Vì vậy ở nơi có rất nhiều nước đó, một hành tinh có thể đang ra đời.

Có nước là có hy vọng về sự sống. Vì vậy, hoàn toàn có khả năng chúng ta đang nhìn thẳng vào một hành tinh mà hàng tỉ năm sau sẽ sở hữu một nền văn minh giống của chúng ta, một thế giới với núi, sông, hồ phức tạp trên các lục địa và đại dương mênh mông.

Hơi nước cũng được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thành phần hóa học và sự hình thành của một hành tinh.

Phát hiện này không chỉ đánh dấu một bước quan trọng trong sự hiểu biết của chúng ta về cách một hành tinh ra đời, mà là con một thành tựu lớn của ALMA.

Tìm ra dấu hiệu của nước ở nơi cách tận 450 năm ánh sáng là một kỳ công, rất khó khăn đối với các đài thiên văn Trái Đất – vốn thường phải quan sát xuyên qua khí quyển.

Tuy nhiên, đài thiên văn mặt đất là các cơ sở có điều kiện để được trang bị các máy móc cồng kềnh nhưng tối tân hơn các kính viễn vọng không gian. Do vậy, tận dụng tối đa tiềm năng của chúng là cơ hội để nhân loại mở ra các cánh cửa mới trong lĩnh vực vũ trụ học.

Nguồn NLĐ