Phát hiện mới về các vì sao trong vũ trụ
Các nhà thiên văn học đến từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành thu thập dữ liệu từ các chuyến bay “dưới quỹ đạo” của các tên lửa của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trong giai đoạn 2010 – 2012. Trong các lần phóng, những tên lửa này mang theo tàu thăm dò quan sát thiên thể vũ trụ CIBER có nhiệm vụ đo lường sự dao động ánh sáng phát ra từ các vì sao và thiên hà.
Bằng cách sử dụng kính thiên văn vũ trụ Spitzer để kiểm tra lại các dữ liệu, các nhà nghiên cứu nhận định khoảng một nửa các vì sao trong vũ trụ đều cư trú trong các không gian “tối tăm” bên ngoài các thiên hà mà con người chưa từng phát hiện được.
Theo các chuyên gia, các thiên hà vốn dĩ là tập hợp các vì sao xen lẫn bụi khí và các vật chất tối xoay xung quanh một khối tâm. Khi các thiên hà “trôi dạt” trong vũ trụ và “va” vào nhau sẽ tạo nên một vụ nổ lớn, khiến các vì sao và các vật chất sát nhập. Tuy nhiên, vụ va chạm cũng khiến một số vì sao vốn cư trú trong các thiên hà lại bị văng vào một “vùng không gian hoang sơ” của vũ trụ.
Qua các dữ liệu, các nhà nghiên cứu cho rằng những “vì sao bị quên lãng” này khá nhỏ và có khối lượng nhẹ hơn cũng như có nhiệt độ lạnh hơn so với Mặt Trời, nhưng cũng tương tự với hầu hết các vì sao trong vũ trụ. Mặc dù những vì sao này phát ra ánh sáng “yếu ớt”, nhưng khi chúng tập hợp lại lại có thể tạo ra một quầng ánh sáng sánh ngang với ánh sáng phát ra từ tất cả các thiên hà.
Trao đổi với báo giới, nhà thiên văn học Michael Zemcov cho biết việc nghiên cứu nguồn gốc các thiên hà đã được tiến hành cách đây 13,2 tỷ năm, tức 500 triệu năm sau vụ nổ Big Bang hình thành nên vũ trụ. Kể từ đó, các thiên hà liên tục hình thành và va chạm vào nhau, khiến vô vàn vì sao mới hình thành. Trong tương lai, nhóm các nhà thiên văn học này hy vọng sẽ có cơ hội nghiên cứu những vì sao nằm ngoài vũ trụ này thông qua các chuyến bay của CIBER trong tương lai./.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.