Phát hiện mới về nước trên sao Hỏa

Những phân tích mẫu đất sao Hỏa do thiết bị thăm dò Curiosity gửi về cho thấy thành phần đất trên hành tinh đỏ chứa 2% là nước, mở ra hy vọng cho các hoạt động đưa con người lên thám hiểm trong tương lai.

 

1

Thiết bị thăm dò Curiosity tại Rocknest. Ảnh: NASA

 Theo Laurie Leshin, Chủ nhiệm Khoa Khoa học tại Viện Bách khoa Rensselaer đồng thời là chủ nhiệm công trình nghiên cứu, phân tích mẫu vật tại Rocknest, một khu vực nằm trên nền của miệng núi lửa Gale, bề mặt sao Hỏa hết sức khô cằn và tỷ lệ nước trong đất của hành tinh này chỉ là 2%.

Ngoài việc xác nhận sự tồn tại của nước, phân tích của tàu Curiosity cũng ghi nhận một lượng đáng kể một số hóa chất khác trong thành phần đất sao Hỏa như carbon dioxide, oxygen, lưu huỳnh và một hợp chất của chlorine và oxygen nhiều khả năng là chlorate và perchlorate.

Dấu hiệu về sự tồn tại của nước trên hành tinh “hàng xóm” của Trái Đất không phải là một phát hiện mới. Trước đó, các tàu thăm dò và vệ tinh của NASA cũng đã phát hiện bằng chứng của nước trên sao Hỏa tồn tại ở dạng băng hay ngầm dưới mặt đất và phỏng đoán loại nước này con người có thể uống được. Tuy nhiên, bằng chứng mới nhất do tàu thăm dò hiện đại Curiosity gửi về được đánh giá có độ chính xác cao hơn.

Chuyên gia Leshin cho rằng kết quả phân tích này có thể đại diện cho nhiều vùng trên sao Hỏa bởi toàn bộ hành tinh này được bao phủ bởi một lớp đất bề mặt giống nhau. Các nhà khoa học hy vọng phát hiện này có thể tạo nền tảng cho việc cung cấp nước cho con người khi khám phá sao Hỏa trong tương lai.

Hiện chưa có cơ quan nào có kế hoạch đưa người lên sao Hỏa, nhưng Mỹ hy vọng có thể đưa người đặt chân lên hành tinh này vào năm 2030.

Nguồn Vnexpress