Phát hiện thêm nhiều dấu tích văn hóa Óc Eo tại Trà Vinh
Cụm di tích chùa Lò Gạch gồm 2 phần di tích có quy mô lớn: Nhóm di tích kiến trúc cổ phân bố trong khu vực khuôn viên chùa và khu vực liền kề, gọi chung là di tích kiến trúc chùa Lò Gạch. Di tích này có vòng đất đắp với quy mô lớn, phân bố trên diện rộng và nối liền về phía tây-tây nam chùa Lò Gạch.
Qua thám sát 3 hố và khai quật 7 hố với tổng diện tích 778 m2 (diện tích khai quật là 772 m2 cùng 6 m2 hố thám sát), kết quả đã làm xuất lộ vết tích nền móng của 6 kiến trúc bằng gạch có quy mô lớn nằm trong khuôn viên chùa Lò Gạch và khu vực lân cận trong phạm vi khoảng 4.500-5.000 m2; đồng thời có những ghi nhận mới về một loại hình di tích lũy đắp đất nằm liền kề về phía Tây của chùa Lò Gạch.
Đặc điểm bình đồ kiến trúc, cấu trúc ở chùa Lò Gạch rất gần gũi với di tích kiến trúc phát hiện ở Gò Thành (Tiền Giang), Gò Xoài (Long An). Riêng nhóm hiện vật vàng lá cắt vuông vắn có chạm-khắc hình voi của Gò Thành và chùa Lò Gạch rất giống nhau, là những kiến trúc Phật giáo có niên đại thế kỷ VIII-IX sau Công Nguyên.
Từ những kết quả so sánh cho thấy nhóm di tích kiến trúc chùa Lò Gạch mang những đặc điểm tiêu biểu của truyền thống văn hóa Óc Eo miền Tây Nam Bộ với những ảnh hưởng đậm nét từ văn hóa Ấn Độ. Đây là khu di tích kiến trúc có quy mô lớn, rất đặc sắc, có giá trị khoa học lớn, đặc biệt khi đặt trong không gian văn hóa-lịch sử với các di tích Bờ Lũy, ao Bà Om, vùng Gò-Giồng duyên hải Tây Nam Bộ trong không gian văn hóa Óc Eo-hậu Óc Eo.
Với những kết quả trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét xếp hạng Cụm di tích Bờ Lũy-chùa Lò Gạch, ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành thuộc loại hình di tích khảo cổ học cấp quốc gia./.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.