Phát triển lúa gạo bền vững: Liên kết nông dân thay vì chờ thương lái
Cần khuyến khích, hỗ trợ về thuế và vốn để HTX và doanh nghiệp đồng hành giúp nông dân dễ dàng tiêu thụ lúa gạo thay vì bị động, ngóng chờ thương lái.
ĐBSCL có 2 triệu ha đất trồng lúa và có thể gieo trồng quanh năm. Tuy nhiên phần lớn nông dân trong vùng vẫn sản xuất nhỏ lẻ, yếu thế; vai trò của HTX hạn chế, các doanh nghiệp chủ yếu tham gia khâu cuối của chuỗi giá trị, ít quan tâm đến lợi ích của nông dân nên giữa nông dân với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp cần có đủ niềm tin để liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.
Trong cùng loạt bài “Thích ứng kép để sản xuất, tiêu thụ lúa gạo bền vững ở ĐBSCL”, nhóm PV Đài TNVN có bài viết: “Liên kết nông dân, thay vì chờ thương lái”.
Tháng 3, ĐBSCL nắng như đổ lửa. Cánh đồng cặp hai bên Quốc lộ 61C ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang chất ngồn ngộn những bao lúa Đông Xuân vừa thu hoạch.
Bà Trịnh Thị Cẩm Hồng ở huyện châu thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết: Vụ lúa Đông Xuân năm nay, thương lái mang giống lúa thơm RVT đến bán cho bà gieo sạ 9 công đất và giao kèo sẽ mua với giá hơn 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên đến ngày thu hoạch giá lúa sụt giảm, thương lái hẹn lần, hẹn lữa mãi rồi cuối cũng “bỏ cọc”.
Bà Hồng đành phải giữ đống lúa chất ven đường ngóng chờ thương lái khác.
Trong khi bà Hồng và nhiều nông dân khác đang chạy vạy khắp nơi tìm thương lái để bán lúa, thì 21 xã viên HTX nông nghiệp Tân Phú A ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, giáp ranh với huyện Châu thành A, cách bà Hồng không xa, vẫn có niềm vui trọn vẹn với vụ lúa Đông Xuân. Toàn bộ 52 ha lúa với sản lượng hơn 450 tấn đã được công ty Ngọc Quang Phát ở Thốt Nốt bao tiêu với giá từ bằng đến cao hơn giá thị trường.
Ông Phạm Văn Hậu- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú A, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Các thành viên trong HTX không còn sợ cảnh không có thương lái thu mua bởi mình đã ký hợp đồng rồi. Còn về vấn đề giá cả thì do giá cả mặt bằng của Hậu Giang mình thôi, thì chỗ nào cao nhất thì công ty lấy bằng cái giá cao nhất”.
Riêng vụ lúa Đông xuân này, toàn tỉnh Hậu Giang có gần 23.200ha trong tổng số hơn 78.400ha xuống giống được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu với giá từ bằng đến cao hơn giá thị trường, chiếm gần 30%. Những diện tích lúa này tập trung tại các Hợp tác xã nông nghiệp đã ký kết từ đầu vụ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Không riêng các Hợp tác xã của Hậu Giang, những nông dân tại các Hợp tác xã ở các tỉnh, thành khác khu vực ĐBSCL đều tiêu thụ được lúa không chỉ vụ Đông Xuân này.
Ông Huỳnh Đăng Khoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Rạch Lọp ở xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho biết: Hợp tác xã Rạch Lọp có gần 370 ha trồng lúa. Từ khi thành lập đến nay Hợp tác xã cũng làm được 7 vụ lúa và chưa vụ nào gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.
“Đối với người dân ngoài thành viên Hợp tác xã đó tìm đối tác bao tiêu rất là khó, thương lái đặt cọc đến lúa tuột thì họ bỏ chạy hết. Còn riêng đối với người trong thành viên Hợp tác xã đó thì họ được Hợp tác xã bao rồi, đã thương thảo giá. Từ đó người ta đến, người ta thu mua, ký kết một giá một. Họ đến mua cũng không dám ép giá, làm như thế thì họ sợ sau này sẽ không mua được nữa. Tôi thấy hiệu ứng này rất tích cực”, ông Huỳnh Đăng Khoa nói.
Nếu không hợp tác sản xuất, người dân đơn lẻ sản xuất sẽ vẫn nghèo trên vựa lúa quê nhà. |
Từ kinh nghiệm thực tiễn những năm qua, ông Huỳnh Đăng Khoa cho rằng: Nông dân vào Hợp tác xã không chỉ đơn thuần tiêu thụ lúa được dễ dàng mà còn hưởng lợi từ nhiều mặt khác. Nhận thấy lợi ích từ khi trở thành thành viên Hợp tác xã nên thời gian qua có rất nhiều nông dân tự nguyện làm đơn xin tham gia. Ban đầu Rạch Lọp chỉ có 412 thành viên, nay đã tăng lên 514 thành viên. Chỉ hơn 1 năm hoạt động, lợi nhuận tăng cho các thành viên Hợp tác xã xấp xỉ 500 triệu đồng.
Đồng Tháp là một trong những địa phương sản xuất lúa gạo lớn của ĐBSCL. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng cần xác lập tầm nhìn dài hạn hơn đối với ngành lúa gạo, với việc thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để tạo sinh kế bền vững đối với hàng chục triệu nông dân đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Hoan, để vượt qua những “lận đận” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thì không nên tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm.
“Nông sản Việt, trong đó có ngành hàng lúa gạo, để không tiếp tục bị giải cứu, để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể , đồng bộ , liên tục, kiên trì để thoát khỏi lời nguyền “chi phí cao, chất lượng kém”. Để vượt qua lời nguyền đó, không thể tiếp tục sản xuất cá thể , mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. Điều đó cho thấy hợp tác xã là giải pháp duy nhất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, ông Lê Minh Hoan nêu rõ.
Triển khai Quyết định số 445 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại ĐBSCL”, đến nay toàn vùng đã thành lập 176 HTX nông nghiệp, trong đó 111 HTX liên kết các doanh nghiệp bằng 63%, với tổng diện tích đất sản xuất tham gia ký kết hơn 28.600 hec-ta. Con số này còn quá nhỏ, chưa đủ sức lan tỏa so với tiềm năng, thế mạnh tự nhiên của ĐBSCL. Trong khi số lượng thành viên và diện tích trung bình của các HTX còn thấp, thì việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với doanh nghiệp chưa chặt chẽ, tình trạng phá vỡ hợp đồng xảy ra thường xuyên.
Ông Huỳnh Hữu Trung Nhân, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Kiên Giang nêu ví dụ: Năm 2018 công ty dự kiến bao tiêu 3.000 ha, nhưng chỉ ký được 1.500 ha với khoảng 10 ngàn 500 tấn lúa, do HTX không chịu ký.
“Bao tiêu thì cũng làm theo chương trình của Chính phủ nhưng đến khi thu hoạch thì không mua được bao nhiêu cả vì bao tiêu thật ra chỉ mang tính chất hình thức vì khi giá lên nông dân không bán cho mình. Hằng năm công ty chỉ mua được 1-2 ngàn tấn lúa, trong khi ký bao tiêu tới 20 ngàn tấn. Hầu hết là như vậy, vì khi giá lên công ty không thu mua kịp so với hàng xáo. Nông dân cũng không giữ uy tín với doanh nghiệp. Đội ngũ của mình đi thu mua không bằng đội ngũ của thương lái”, ông Nhân nói.
Rõ ràng vai trò của HTX trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL là rất lớn nên việc tạo niềm tin cho nông dân với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp hết sức cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần tăng cường cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về thuế và vốn để HTX và doanh nghiệp đồng hành, giúp nông dân dễ dàng tiêu thụ lúa gạo và từng bước nâng cao thu nhập trong chuỗi giá trị, thay vì bị động, ngóng chờ thương lái.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.