Phê chuẩn bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ
* Thảo luận dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012
Ngày 3-8, ngày làm việc thứ 11, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XIII. Buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn về dự kiến nhân sự các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.
Ðến 15 giờ 30 phút ngày 2-8, Ủy ban Thường vụ QH đã nhận đủ biên bản họp của 63 đoàn đại biểu QH và phiếu xin ý kiến của các vị đại biểu QH. Kết quả, hầu hết các đoàn đại biểu QH nhất trí với Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Hầu hết ý kiến cho rằng, việc bố trí nhân sự Phó Thủ tướng và các bộ trưởng đã gắn với công tác nhân sự của Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, trong đó nhiều đồng chí đã kinh qua thực tế. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, một số bộ trưởng bố trí trái ngành nghề, trải nghiệm thực tiễn còn ít. Có ý kiến đề nghị làm rõ thêm trách nhiệm quản lý nhà nước của một số bộ. Báo cáo cũng giải trình về những ý kiến nêu trên của các vị đại biểu QH. Kết quả phiếu xin ý kiến cho thấy, người cao nhất đạt 100%, người thấp nhất đạt 86,7% tổng số phiếu thu về.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Tiếp đó, QH tiến hành phê chuẩn các chức danh Phó Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ bằng cách bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, vị đạt số phiếu cao nhất bằng 97,4%, vị thấp nhất cũng đạt 63,2% tổng số đại biểu QH tán thành. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết bằng cách bấm nút thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ với 492 đại biểu tán thành, bằng 98,4% tổng số đại biểu QH.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, đã chúc mừng các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII vừa được QH tín nhiệm phê chuẩn. Các thành viên Chính phủ khóa XIII đã ra mắt QH.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu nhậm chức, nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nguyện trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Ðảng Cộng sản Việt Nam, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là Cơ quan chấp hành của Quốc hội, Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam (Toàn văn đăng số báo ra hôm nay).
Cũng trong phiên họp buổi sáng, QH đã nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị nói trên của Chủ tịch nước.
Buổi chiều, Ban kiểm phiếu công bố kết quả phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Với 98% tổng số đại biểu tán thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được phê chuẩn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Các Ủy viên gồm: Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, với 98,4% tổng số đại biểu tán thành; Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, với 98,6% tổng số đại biểu tán thành; Bộ trưởng Công an Trần Ðại Quang, với 98,6% tổng số đại biểu tán thành và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với 98,4% tổng số đại biểu tán thành.
Sau đó, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh với 97,2% tổng số đại biểu tán thành.
QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Theo đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH điều chỉnh tiến độ hai dự án luật là Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai; bổ sung bốn dự án luật khác gồm Luật Cơ yếu, Luật Biển Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Phòng chống rửa tiền và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về biểu thuế bảo vệ môi trường trong Chương trình năm 2011. Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, Ủy ban Thường vụ QH dự kiến đưa 28 dự án luật, một dự án nghị quyết, hai dự án pháp lệnh vào Chương trình chính thức; 27 dự án luật và hai dự án pháp lệnh trong Chương trình chuẩn bị.
Thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, các đại biểu tập trung phân tích kết quả xây dựng luật, pháp lệnh sáu tháng cuối năm 2010 và sáu tháng đầu năm 2011; kế hoạch điều chỉnh chương trình xây dựng luật năm 2011, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và các biện pháp bảo đảm việc thực hiện chương trình đúng tiến độ. Ðánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sáu tháng cuối năm 2010 và sáu tháng đầu năm 2011, đa số đại biểu cho rằng về cơ bản, công tác xây dựng luật, pháp lệnh đã kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, do một số nội dung luật, pháp lệnh được ban hành vẫn còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể nên sau khi ban hành phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết mới có thể đi vào cuộc sống, nhưng việc ban hành các văn bản này lại không bảo đảm tiến độ. Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) đề nghị, việc xây dựng luật, pháp lệnh phải có chương trình dài hơi, có tính dự báo. Chính phủ đã đưa Luật Biển Việt Nam, Luật Ðất đai vào Chương trình xây dựng luật trong thời gian tới là phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Nhiều đại biểu đề nghị, đã đến lúc chấm dứt tình trạng luật chờ nghị định như thời gian qua. Hằng năm, QH phấn đấu đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật, nhưng nếu có luật mà không có nghị định hướng dẫn thực hiện thì luật không phát huy tác dụng. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cùng với việc ban hành luật, nhất định phải kèm theo nghị định. Chính phủ và các bộ chuyên ngành phải coi việc xây dựng luật kèm nghị định là nhiệm vụ chính trị. Một số đại biểu đề nghị ưu tiên đưa Luật Ðầu tư công, Luật Quản lý vốn nhà nước; Luật Quy hoạch đô thị và Luật Thủ đô vào Chương trình chính thức năm 2012, vì đây là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.