Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu;…

anh-1can-tho-do-thi-xanh-16462303018931718933732

Đến năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch gồm: Vùng đất bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; vùng biển ven bờ của các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao; duy trì tỷ trọng giá trị gia tăng ở mức cao khoảng 20-25% vào năm 2030; tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021; năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp – xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.

Phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo

Về phương hướng phát triển ngành có lợi thế, trong đó, phương hướng phát triển nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái:

– Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng (bao gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ và một phần của các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An); là vùng sinh thái nước ngọt an toàn trước tác động của lũ, ngập, xâm nhập mặn; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây của vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia; phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan, đóng vai trò điều tiết và hấp thu lũ cho đồng bằng sông Cửu Long.

– Vùng sinh thái mặn – lợ ở ven biển (bao gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An): Phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, mặn – lợ trên bờ và trên biển; đánh bắt hải sản; khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và dải bờ biển; phát triển hệ thống nông – lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ, kết hợp du lịch sinh thái; chủ động phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

– Vùng chuyển tiếp ngọt – lợ ở giữa đồng bằng (bao gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An): Phát triển thuỷ hải sản nước lợ chuyên canh và luân canh với lúa, rau màu phù hợp với điều kiện về nguồn nước theo mùa.

Phát triển các sản phẩm chiến lược theo ba trọng tâm: Thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistic, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và các đầu mối hạ tầng quốc gia, liên vùng; là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ

Về phương hướng phát triển công nghiệp, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện môi trường trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Nâng cao tính tập trung, mật độ của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở gắn kết với khu vực đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng liên kết trong vùng, liên vùng, quốc tế để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông tin; khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.

Khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm về thủy sản, trái cây, lúa gạo áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại tại các trung tâm đầu mối và khu vực thuận lợi về vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị kinh tế cho xuất khẩu; đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản hỗ trợ việc thu gom, trung chuyển, vận tải hàng hóa nông sản tại các trung tâm đầu mối.

Phát triển mạng lưới cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi và thức ăn nuôi trồng thủy sản gắn với các trung tâm đầu mối và vùng sản xuất tập trung; xây dựng một số xưởng chế biến bột cá có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhằm giảm lượng nhập khẩu bột cá và hạ giá thành thức ăn, khuyến khích các thành phần kinh tế từng bước xây dựng nhà máy có quy mô lớn và chất lượng sản phẩm cao; đầu tư các kho trữ đông có công suất 10.000 tấn/năm.

Tập trung phát triển các nhà máy sản xuất đồ gỗ gia dụng, nhà máy sản xuất ván nhân tạo, ván ép; khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống như đồ gỗ mỹ nghệ, mây, tre, lá, chiếu cói… phục vụ nhu cầu du lịch tại các địa phương như Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Hậu Giang.

Đến năm 2030, không phát triển thêm nhiệt điện than ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng ở Duyên Hải II (Trà Vinh), Long Phú I (Sóc Trăng), Sông Hậu I (Hậu Giang); tập trung phát triển điện gió ở bán đảo Cà Mau và điện mặt trời; xây dựng các nhà máy điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt, các nguồn pin tích năng để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện có tỷ trọng cao nguồn năng lượng tái tạo; xem xét phát triển các dự án điện khí ở Bạc Liêu, Kiên Giang, Long An sau năm 2030.

Phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái

Về du lịch, phát triển đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu; phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.

Phát triển các khu du lịch, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa – lịch sử gồm: Khu du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn – Mũi Cà Mau, Tràm Chim – Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu…

– Phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, trong đó chú trọng phát triển các tuyến du lịch liên vùng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan – Campuchia – Rạch Giá – Cà Mau) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An); tuyến đường biển và tuyến đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnompenh, Seam Reap (Campuchia).

Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường đào tạo nghề dịch vụ du lịch, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn.

Quyết định cũng nêu rõ phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng; phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng.

Nguồn: Chinhphu.vn